Rất ít đơn vị kinh doanh sở hữu tên miền quốc gia

Tại Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến (VOMF 2022) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức mới đây, ông Thái Hữu Lý - Trưởng phòng Phát triển tên miền của Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ Thông tin & Truyền thông) cho biết, kể từ khi internet vào Việt Nam năm 1997, trong vòng 25 năm qua, tên miền ".vn" thực hiện trọng trách, sứ mệnh là định danh Việt Nam trên bản đồ internet toàn cầu.

Tên miền cũng như ngôn ngữ tiếng Việt, nếu không phát triển thì giá trị văn hóa sẽ bị tụt lùi. Nếu Việt Nam không thực sự quan tâm phát triển và người dùng ít thì chắc chắn định danh Việt Nam trên bản đồ internet quốc tế cũng sẽ kém đi.

Ở vai trò quản lý Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông đã và đang từng bước thúc đẩy và không ngừng nỗ lực để làm cho vị thế của Việt Nam trên bản đồ internet toàn cầu ngày càng được nâng cao.

"Đến thời điểm hiện nay đạt khoảng gần 600.000 tên miền ".vn" và chúng tôi tự hào trong 12 năm liền tên miền quốc gia Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á, top 10 Châu Á - Thái Bình Dương và xếp ở vị trí thứ 43 thế giới về số lượng tên miền mã quốc gia phát triển tại đất nước. Tôi nghĩ đây chưa phải là thành tích lớn nhưng là nỗ lực rất lớn của ngành thông tin và truyền thông", ông Thái Hữu Lý chia sẻ.

Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện tại Việt Nam có gần 600.000 tên miền quốc gia ".vn" trong khi có hơn 6 triệu đơn vị kinh doanh, tương đương chỉ khoảng 10% đơn vị kinh doanh đang sở hữu tên miền quốc gia.

3 rào cản

Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển của internet Việt Nam nói chung cũng như tên miền quốc gia ".vn" nói riêng, ông Thái Hữu Lý cho rằng, có 3 rào cản cần phải tháo gỡ để định danh Việt Nam trên bản đồ internet toàn cầu ngày càng được củng cố và phát triển.
Hình ảnh: 3 rào cản cần gỡ để tăng sở hữu tên miền quốc gia số 1
Số lượng đơn vị kinh doanh sở hữu tên miền quốc gia ".vn" còn ở mức thấp.
Thứ nhất là nhận thức của người dùng. Giá trị của tên miền ".vn" đi kèm với website là thực sự rất lớn. Nếu không có website trong thời điểm kinh doanh hiện nay cũng giống như không có trụ sở online trên không gian internet.

DN có thể thành công trên nhiều nền tảng khác nhau nhưng với các doanh nghiệp (DN) thành công thì không có DN nào là không có tên miền ".vn" tại Việt Nam. Có đến 95% thương hiệu Việt Nam sử dụng tên miền nhưng quan trọng đó là nhận thức từ những DN lớn, từ những CEO lớn, còn phần lớn DN Việt Nam chưa có nhận thức sâu sắc là tên miền ".vn" rất có giá trị đối với thương hiệu tại thị trường nội địa.

"Google đã thay đổi các thuật toán để định vị cho khách hàng tìm kiếm tại thị trường nội địa tốt hơn. Tên miền ".vn" được công cụ Google rất hỗ trợ để từ đó hỗ trợ người dùng tìm kiếm tốt hơn thì tại sao DN không dùng? Điều này phụ thuộc vào nhận thức của lãnh đạo DN. Phần lớn các lãnh đạo DN khởi nghiệp, mới kinh doanh chưa nhận thức được đúng đắn", ông Thái Hữu Lý trăn trở.

Thứ hai, thủ tục đăng ký cũng là rào cản không nhỏ. Nếu DN hiểu sâu xa một chút, việc người dùng làm thủ tục xác thực khi đăng ký tên miền sẽ được pháp luật bảo vệ. Nếu DN bỏ qua các bước này nhằm để đổi lại sự thuận tiện ban đầu thì sau này có thể DN sẽ gặp rắc rối. Đấy là lý do vì sao đối với tên miền quốc tế, cứ tên miền nào có tiếng tăm nếu lúc đầu DN đăng ký lỏng lẻo thì sau này tên miền sẽ bị mất, không lấy lại được.

Trong thực tế kinh doanh đã chứng kiến nhiều trường hợp, thậm chí có những DN rất lớn đã bị mất tên miền khi DN đang lớn, tên miền rơi vào tay người khác không thể lấy lại.

Có thể nói, DN đang nghĩ sai, nghĩ chưa đúng về yêu cầu xác thực ban đầu của tên miền ".vn" mang lại giá trị tin cậy và sử dụng cho mọi người về sau.

Thứ ba là rào cản về chi phí. Chi phí cho tên miền ".vn" hiện nay đúng là cao hơn tên miền quốc tế. Tuy nhiên, trong năm tới, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ có sự thay đổi về biểu phí, lệ phí để tiếp cận với người dùng tốt hơn.

"Trên đây là 3 rào cản lớn, trong đó nhận thức là vấn đề quan trọng, chi phí là vấn đề không quá đáng lo ngại vì thực ra đăng ký duy trì tên miền vài trăm nghìn đồng đối với DN không lớn", Trưởng phòng Phát triển tên miền của Trung tâm Internet Việt Nam nhận định.

3 chính sách hỗ trợ

Thời gian tới, Bộ Thông tin & Truyền thông có 3 chính sách lớn. Thứ nhất, hỗ trợ cộng đồng DN khởi nghiệp, sinh viên sáng tạo khởi nghiệp bằng chính sách miễn phí 2 năm áp dụng từ năm 2023 khi đăng ký tên miền. Đồng thời tập trung vào tập khách hàng 6 triệu hộ kinh doanh cá thể.

Chính sách thứ 2 là đăng ký hoàn toàn qua hồ sơ điện tử để giải quyết bài toán thủ tục hồ sơ, giấy tờ xác thực. Hồ sơ điện tử này hoàn toàn online và kết nối dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu DN thông qua một số DN để từ đó các DN đăng ký tên miền dễ dàng hơn và vẫn kiểm soát thông tin được.

Bộ cũng có chính sách giảm phí, lệ phí, đặc biệt trong cơ cấu tên miền, có những tên miền giảm xuống chỉ còn 10.000 - 20.000 đồng. Theo đó, tên miền khi đến tay người dùng chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng, cộng với một số phí dịch vụ của nhà đăng ký.

"Đây là mức phí ưu đãi lớn nhằm mục đích cho tất cả mọi người trải nghiệm. Khi tất cả đã đồng lòng trải nghiệm và có những giá trị tích cực thì định vị Việt Nam trên bản đồ internet quốc tế sẽ cao hơn và tên miền ".vn" sẽ thực hiện được sứ mệnh mở rộng trên cả thế giới", ông Thái Hữu Lý cho biết.
 
Thu An
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/3-rao-can-can-go-de-tang-so-huu-ten-mien-quoc-gia/20221025084711281