Tại cuộc họp báo, ADB khuyến nghị Việt Nam thận trọng khi nới lỏng tiền tệ-Ảnh:VGP/HT.

Đây là ý kiến của Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries trao đổi tại cuộc họp báo công bố Cập nhật báo cáo triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam 2021-2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Ông Andrew Jeffries phân tích: Tiêu dùng nội địa trì trệ và sức cầu bên ngoài yếu do đại dịch COVID-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, nhưng đà tăng trưởng vẫn tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau, nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát sự lây lan của virus.

Theo báo cáo của ADB, nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022 – đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch COVID-19. Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng.

Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với 3 tháng đầu năm 2020. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6 trong tháng 3, mức cao nhất tính từ tháng 1/2019.

Các doanh nghiệp (DN) nước ngoài và trong nước thành lập mới nhờ có vaccine COVID-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.

Khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Tăng trưởng khu vực dịch vụ đến từ tiến trình chuyển đổi số, tăng chi tiêu vào vaccine COVID-19, niềm tin kinh doanh cải thiện và mặt bằng lãi suất thấp. Khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.

ADB nhận định, đầu tư gia tăng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát COVID-19 và Luật Đầu tư được ban hành tháng 1/2021 giảm bớt các rào cản quy định về kinh doanh được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng 17,8% trong quý I/2021 so với quý I năm trước. Tăng trưởng tổng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhờ đầu tư tư nhân, vốn đã tăng đáng kể, với yếu tố xúc tác là mặt bằng lãi suất thấp và chi tiêu công tăng.

Thương mại sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới. Việt Nam đạt mức xuất siêu hàng hóa 2 tỉ USD trong quý I/2021, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 34,35% và sang Mỹ tăng 32,8%. Xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tăng 8% trong năm nay và năm tới.

Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong năm 2021, được hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng của DN phục hồi. Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán là 12% trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho đến hết năm 2021 để hỗ trợ DN đang cố gắng đương đầu với tác động của đại dịch COVID-19.

ADB cảnh báo, năm nay và năm sau vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, nếu việc triển khai vaccine không kịp thời để ứng phó kịp sự trở lại của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới.

Các chuyên gia của tổ chức này nhận định rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng thương mại.

Đà tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục, nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Giá dầu thế giới và tiêu dùng nội địa cùng gia tăng, dự kiến sẽ đẩy tỉ lệ lạm phát lên 3,8% trong năm nay và 4% trong năm 2022.

Sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến ở Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ cải thiện đáng kể triển vọng thương mại và tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ triển khai tiêm chủng COVID-19 không đồng đều trên toàn cầu có thể trì hoãn việc Việt Nam trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ so với trước đại dịch, bởi kinh tế có độ mở cao.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries đánh giá, việc các DN gặp khó khăn và ngân hàng dùng các chính sách giãn, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi… là cần thiết, tuy nhiên về lý thuyết điều này sẽ mang lại nhiều rủi ro nợ xấu.

Trao đổi băn khoăn về phát sinh nợ xấu trong bối cảnh DN gặp khó khăn do COVID-19, ông Andrew Jeffries đánh giá, thời gian qua, việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam khá hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể. ADB cho rằng, sức mạnh ứng phó của hệ thống ngân hàng Việt Nam tương đối tốt, trước mắt rủi ro nợ xấu bùng phát là khó xảy ra. “Dù vậy, trong năm 2021, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN không nên theo đuổi việc nới lỏng chính sách tiền tệ, điều này sẽ có nhiều rủi ro”, ông Andrew Jeffries khuyến nghị.

Báo cáo còn nhận định rằng Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm bằng cách làm dịu đi tác động của đại dịch đối với nghèo đói và thu nhập. ADB cũng khuyến nghị, Việt Nam nên áp dụng một chiến lược bền vững, dài hạn để giúp đỡ cho sinh kế của người nghèo và người dễ bị tổn thương thông qua những biện pháp như đào tạo nghề và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô cho các DN mới.

Huy Thắng


Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/ADB-Tang-truong-Viet-Nam-se-phuc-hoi-can-than-trong-trong-viec-noi-long-tien-te/429460.vgp