Lần chi trả tiền gửi được bảo hiểm đầu tiên

Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam chính thức hoạt động từ ngày 7/7/2000. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, tổ chức BHTG đã vừa phải tham gia xây dựng khuôn khổ pháp lý, cơ chế hoạt động, quy chế, quy trình nội bộ…; đồng thời, ngay lập tức tham gia tìm hiểu, đánh giá các tổ chức tín dụng gặp vấn đề, đặc biệt là các QTDND có nguy cơ đổ vỡ để chuẩn bị phương án hỗ trợ, giải cứu hoặc xử lý. Một năm sau khi hoạt động - năm 2001, BHTG VN đã chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Rạch Sỏi và Giồng Riềng thuộc tỉnh Kiên Giang và một số QTDND tại các địa bàn khác.

Đây chính là điểm sáng trong công tác bảo vệ người gửi tiền. BHTG Việt Nam đã kịp thời chi trả đúng đối tượng, đủ số tiền theo hạn mức quy định. Đặc biệt, sau khi quản lý, thanh lý tài sản của các tổ chức tín dụng bị đổ vỡ, BHTG Việt Nam đã thu hồi đủ nguồn tài chính để tiếp tục chi trả cho người gửi tiền có số tiền gửi vượt hạn mức, đảm bảo quyền lợi gần như tuyệt đối cho họ. Việc chi trả nhanh chóng, kịp thời đã trấn an tâm lý, củng cố niềm tin của người gửi tiền, tránh những tác động dây chuyền ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng cũng như đảm bảo trật tự, an ninh xã hội tại các địa phương.

Tiếp tục hành trình gìn giữ niềm tin

Sau hơn 20 năm, đến nay, BHTG Việt Nam là tổ chức bảo hiểm tiền gửi duy nhất tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Từ nguồn vốn ban đầu được cấp 1.000 tỷ đồng, tính đến hết tháng 9/2021, tổng tài sản của BHTG Việt Nam đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt gần 74 nghìn tỷ đồng. Hiện BHTG Việt Nam đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 QTDND, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô.

Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nêu rõ định hướng phát triển BHTG Việt Nam trong những năm tới là áp dụng mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan đại diện chủ sở hữu; thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Chiến lược khẳng định cần tăng cường năng lực tài chính, nâng cao năng lực hoạt động, hoàn thiện mô hình tổ chức, nâng cao trình độ cán bộ, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG. Tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tín dụng yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG; chi trả bảo hiểm theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định pháp luật của Việt Nam.

Đặc biệt, vai trò của BHTG Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND cũng được nhấn mạnh tại Chỉ thị số 06 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/3/2019. Cụ thể, BHTG Việt Nam sẽ tăng cường phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với các QTDND; tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Có thể nói, vai trò của BHTG Việt Nam trong thời gian tới là rất quan trọng. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như yêu cầu từ thực tế không chỉ đòi hỏi BHTG Việt Nam luôn sẵn sàng thực hiện tốt công tác chi trả khi phát sinh nghĩa vụ, mà còn phải đảm bảo các hoạt động nghiệp vụ như cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, thu phí BHTG, kiểm tra, giám sát, tham gia kiểm soát đặc biệt, hỗ trợ tài chính… nhằm hạn chế tối đa nguy cơ đổ vỡ tổ chức tín dụng.

Trong thời gian tới, BHTG Việt Nam cần rà soát, đánh giá quá trình thực thi Luật BHTG từ khi được ban hành tới nay nhằm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, trình Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật này. Cơ sở pháp lý cho hoạt động BHTG tại Việt Nam cần hướng tới thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTG Việt Nam để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD nhằm bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Luật BHTG cũng cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đồng thời để Luật BHTG thống nhất với các luật khác có liên quan.

Bên cạnh đó, Luật BHTG cần quy định cụ thể việc BHTG Việt Nam phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND; tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm tiền gửi để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém… Việc luật hóa các quy định này sẽ đảm bảo hành lang pháp lý để BHTG Việt Nam phát huy vai trò đối với việc bảo vệ người gửi tiền, với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế nói chung.

Để tiếp tục gìn giữ và nâng cao niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, BHTG Việt Nam cần không ngừng phát triển nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực, nguồn lực hệ thống để song hành cùng sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, BHTG Việt Nam cần tích cực tham gia phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc nâng cao nhận thức công chúng, tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lĩnh vực ngân hàng, BHTG, qua đó xây dựng nền tảng cho một thị trường tài chính – ngân hàng minh bạch, hiệu quả, đảm bảo kỷ luật thị trường để phát huy hơn nữa vai trò là công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN bảo vệ người gửi tiền và giữ an toàn hệ thống ngân hàng.

Theo https://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/bao-hiem-tien-gui-voi-niem-tin-cua-nguoi-gui-tien-342557.html