Ảnh minh họa
Đầu năm 2020, giới chuyên gia từng lạc quan đưa ra dự báo về những gam màu sáng trong bức tranh triển vọng kinh tế thế giới. Nhưng tất cả đã thay đổi khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Sức tàn phá ghê gớm của dịch COVID-19 giáng “đòn chí mạng” vào nền kinh tế thế giới. Đại dịch trở thành “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong giai đoạn phục hồi mong manh sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chưa bao giờ mọi hoạt động kinh tế-xã hội từ công nghiệp, giao thông vận tải đến các lĩnh vực dịch vụ, vui chơi giải trí... kéo theo lực lượng lao động ước tính hơn 3 tỷ người đồng loạt bị ảnh hưởng. Kinh tế thế giới bỗng chốc “bốc hơi” hàng nghìn tỷ USD, kéo theo không ít thành quả gây dựng trong nhiều năm qua bị tiêu tan.

Theo số liệu của các viện nghiên cứu kinh tế trên thế giới, mức độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2020 giảm khoảng từ 5-7% so với mức độ tăng trưởng trung bình của kinh tế thế giới trong các năm trước và kinh tế thế giới cần thời gian ít nhất từ 2-3 năm để khôi phục lại được nhịp độ tăng trưởng ở thời trước khi dịch bệnh bùng phát và lây lan. Những nền kinh tế lâu nay chưa giải quyết được các vấn đề và bất cập mang tính cơ cấu cũng như phụ thuộc nhiều nhất vào ngành dịch vụ thì đều bị ảnh hưởng tiêu cực nặng nề nhất.

Mỹ và châu Âu đều là những tâm điểm chính của diễn biến dịch bệnh và cũng là những nơi thực trạng tăng trưởng kinh tế và thương mại tồi tệ hơn cả trong năm 2020.

Điểm sáng cuối năm

Vào tháng cuối năm 2020, một số nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả nền kinh tế Mỹ, đang xuất hiện những tín hiệu cho thấy sự phục hồi. Những tín hiệu này được xem là “điểm sáng hy vọng” trong bối cảnh bức tranh kinh tế toàn cầu vẫn đang u ám bởi tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Tại Australia, doanh số bán hàng trực tuyến của Australia trong tháng 11 đã tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng cao hơn 17% so với tháng 10/2020, đạt mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Còn tại New Zealand, kinh tế trong quý III/2020 đã đạt tăng trưởng kỷ lục 14% so với quý II. So với cùng kỳ năm 2019, GDP của New Zealand đã tăng 0,4%.

Tín hiệu phục hồi cũng đã xuất hiện rõ nét hơn tại một số nền kinh tế Ðông Nam Á. Tại Singapore, thị trường lao động đã khả quan hơn trong quý III/2020 khi số việc làm của công dân Singapore và người nước ngoài có tư cách lưu trú dài hạn đã tăng 43.200 lên 2,34 triệu việc làm, chỉ thấp hơn 0,4% so với 2,35 triệu việc làm của cùng kỳ năm 2019. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tổng thể được điều chỉnh của Singapore trong tháng 9 tăng lên 3,6%, nhưng tốc độ này chậm hơn so với những tháng trước đó.

Các nền kinh tế Indonesia, Thái Lan cũng cho thấy tín hiệu khả quan sau một thời kỳ suy giảm nghiêm trọng. Bộ trưởng Ðiều phối các vấn đề kinh tế Indonesia cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này trong quý IV/2020 dự báo có thể dao động trong phạm vi từ -2% đến 0,6% nhờ động lực phục hồi bắt đầu từ quý III/2020. Giới phân tích cho rằng, kinh tế Indonesia đã bắt đầu phục hồi, sau khi chạm đáy. Còn tại Thái Lan, sau khi điều chỉnh các yếu tố thời vụ, kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng 6,5% trong quý III/2020.

Tại một số nước phát triển như Anh, Mỹ, bức tranh kinh tế cũng đã bớt u ám. Kinh tế Anh dự báo sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ kể từ quý II/2021, khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch được nới lỏng và nhu cầu tiêu dùng được phục hồi.

Nền kinh tế Mỹ cũng đã xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Sau khi Chính phủ Mỹ bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine phòng COVID-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đánh giá rằng, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022, cao hơn so với những dự báo đưa ra hồi tháng 9 vừa qua. Hiện Quốc hội Mỹ đã đồng ý thông qua gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD. Gói hỗ trợ kinh tế 900 tỷ USD được nhận định là hết sức cần thiết đối với doanh nghiệp và người thất nghiệp, đồng thời sẽ là “liều thuốc tăng lực” để đưa nền kinh tế Mỹ trở về quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021.

“Điểm tựa” vaccine

Một số ý kiến cho rằng, một khi virus được khống chế, nền kinh tế thế giới sẽ dễ dàng hồi phục. Chỉ cần virus lắng xuống, các hoạt động bình thường sẽ được nối lại, mà không cần tới các biện pháp tái cấu trúc gây đau đớn như sau mỗi lần khủng hoảng trước đây. Về lý thuyết, sự phục hồi có thể diễn ra theo biểu đồ dạng chữ V.

Những tiến bộ về vaccine ngừa COVID-19 có thể mang đến những tia hy vọng cho nền kinh tế thế giới. Một ví dụ dễ thấy là giá dầu ở châu Á đã tăng trở lại khi xuất hiện những tín hiệu khả quan trong quá trình triển khai vaccine ngừa COVID-19. Những số liệu thống kê và các đánh giá mới nhất của giới chuyên gia cũng cho thấy kinh tế toàn cầu nói chung, khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng đã và đang xuất hiện những điểm sáng tích cực. Tuy rằng, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ diễn ra không đồng đều. Những nền kinh tế mới nổi có khả năng sẽ bật mạnh mẽ hơn khỏi hố sâu suy thoái so với những nền kinh tế đã phát triển.

Chúng ta có thể thấy sự khác biệt về từ ngữ sử dụng trong báo cáo của IMF vào tháng 10 và báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào tháng 12. Trong khi IMF nói về "quá trình phục hồi dài và khó khăn" của kinh tế toàn cầu, OECD nói rằng thế giới "đã tránh được điều tồi tệ nhất" và "sự phục hồi sẽ mạnh hơn và nhanh hơn khi ngày càng có nhiều hoạt động được nối lại, hạn chế tổng mất mát thu nhập do cuộc khủng hoảng này".

Đó chính là khác biệt mà vaccine COVID-19 mang lại cho triển vọng kinh tế thế giới khi vào tháng 11 vừa qua, chúng ta thử nghiệm thành công của 3 loại vaccine ngừa COVID-19.

Tuy nhiên, hai báo cáo trên có một điểm tương đồng, là đều cho rằng phải đến cuối năm 2021, các hoạt động kinh tế trên toàn cầu mới có thể trở lại mức tương tự như ở thời điểm cuối năm 2019. Dù vậy, không thể coi đây là một sự "bật tăng trở lại" ("bounce back"), vì nền kinh tế toàn cầu mới chỉ có khả năng trở lại mức của trước khủng hoảng, thay vì đạt được mức như kỳ vọng đặt ra trước khủng hoảng.

Dự báo về tình hình kinh tế thế giới năm 2021, tờ Tin tức thế giới của Malaysia cho rằng, kịch bản khả quan nhất là dịch COVID-19 được kiểm soát vào năm 2021, nền kinh tế, thương mại toàn cầu và chi tiêu của người tiêu dùng sẽ phục hồi, trong đó số hóa tiền tệ được dự báo sẽ là diễn biến đáng chú ý nhất. Về chính sách tài chính và tiền tệ toàn cầu trong năm 2021, ngân hàng trung ương của nhiều nước dự kiến sẽ tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng định lượng và cho phép lạm phát ở mức cao hơn. Fed sẽ không tăng lãi suất trước cuối năm 2023 trong khi Anh và châu Âu cũng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, do vậy đồng USD sẽ tiếp tục đà giảm giá.

Một khả năng khác rất đáng quan tâm là năm 2021 có thể là một năm mang tính bản lề đối với hoạt động số hóa tiền tệ. Cùng với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thúc đẩy số hóa đồng nhân dân tệ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số. Ngoài nỗ lực của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), “người khổng lồ” mạng xã hội Facebook đã công bố sẽ ra mắt tiền điện tử Libra vào tháng 1/2021. Đây được dự báo sẽ là một cơn địa chấn mới dẫn đến cuộc cách mạng tiền tệ kỹ thuật số toàn cầu.

Nhìn chung, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, dịch bệnh COVID-19 đã và đang gây hậu quả tiêu cực đối với các nước và đang góp phần định hình lại hoạt động của các ngành kinh tế trên cấp độ toàn cầu. COVID-19 và ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với kinh tế thế giới là một vấn đề mang tính toàn cầu, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài và không nước nào có thể tự giải quyết. Tất cả các nước cần chung sức mới có thể vượt qua được khó khăn và khủng hoảng hiện nay.

An Bình

 

Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/Bat-mach-kinh-te-the-gioi-2021/418510.vgp