Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết quy định khu vực thuộc nội thành, nội thị, khu dân cư không được phép chăn nuôi và quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi ở nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật với mục đích làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường, gồm: Toàn bộ địa bàn TP. Thủ Dầu Một, TP. Thuận An, TP. Dĩ An, thị xã Bến Cát và thị xã Tân Uyên.

Đối với huyện Bắc Tân Uyên: Thị trấn Tân Thành, xã Tân Bình, xã Tân Mỹ và xã Thường Tân. Huyện Bàu Bàng: Thị trấn Lai Uyên (trừ khu phố Đồng Chèo), xã Hưng Hòa, xã Lai Hưng (trừ ấp Cầu Sắt, ấp Cầu Đôi) và xã Tân Hưng. Huyện Phú Giáo: Thị trấn Phước Vĩnh. Huyện Dầu Tiếng: Thị trấn Dầu Tiếng, xã Thanh Tuyền (trừ ấp Lê Danh Cát và một phần ấp Đường Long), xã Long Hòa (trừ ấp Tân Hòa và một phần ấp Long Nguyên, Tiên Phong) và ấp Hoà Cường thuộc xã Minh Hoà. Ngoài ra còn quy định không được phép chăn nuôi tại các khu vực dân cư nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mấy năm trở lại đây, phong trào nuôi yến ở Bình Dương phát triển khá rầm rộ, nhưng mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình, nên việc quản lý, phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Mấy năm trở lại đây, phong trào nuôi yến ở Bình Dương phát triển khá rầm rộ, nhưng mang tính tự phát, quy mô hộ gia đình, nên việc quản lý, phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Nghị quyết này cũng quy định, vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi (ngoại trừ khu vực quy hoạch đất nông nghiệp dọc sông Sài Gòn và sông Thị Tính thuộc 3 xã An Điền, Phú An, An Tây, thị xã Bến Cát) và nhà yến phải cách khu dân cư tối thiểu 300m.

Đối với các tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi (trừ cơ sở nuôi yến) xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thuộc khu vực không được phép chăn nuôi như quy định, thì đến trước ngày 01/01/2025 phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp.

Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực, nhưng không đáp ứng được các quy định, thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới và nhà yến nằm trong khu dân cư, nhà yến cách khu dân cư dưới 300m, thì không được sử dụng loa phát âm thanh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, tính đến giữa năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 491 cơ sở nuôi yến với 495 nhà yến, tổng đàn gần 532.000 con. Sản lượng tổ chim yến khoảng gần 2 tấn/năm, tăng hơn 5 lần về số cơ sở và gần 3 lần về diện tích so với năm 2016.

Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, nhiều địa phương có số cơ sở nuôi yến phát triển nhanh, như: Huyện Dầu Tiếng tăng 132 cơ sở mới, diện tích tăng gần 24.000m²; huyện Bàu Bàng tăng 53 nhà nuôi yến, diện tích tăng hơn 14.000m²; Thị xã Bến Cát có thêm 60 cơ sở mới, diện tích tăng gần 14.000m²...

Dù phát triển khá rầm rộ nhưng các cơ sở nuôi chủ yếu là hộ gia đình, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp hiện chỉ có Công ty TNHH Vườn bách thú Đại Nam, do đó việc quản lý, phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Viên Hữu
Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chinh-sach/binh-duong-cam-nuoi-chim-yen-tai-thanh-thi-va-khu-dan-cu/20201229104824436