Thống nhất trong cấp bù lãi suất, ủy thác cho vay
Tại dự thảo Luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Ngân sách nhà nước về chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định để đảm bảo phân biệt rõ chi đầu tư công theo Luật Đầu tư công (đã quy định rõ các dự án đầu tư bao gồm dự án có tính chất liên vùng, khu vực) và chi đầu tư phát triển khác, chi thường xuyên theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các pháp luật có liên quan.
Cụ thể, sửa đổi khoản 10, Điều 8 theo hướng việc quyết định đầu tư và chi đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải phù hợp với Luật Đầu tư công, các chương trình, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan và sẽ được tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền vào cuối kỳ trung hạn. Đồng thời, bổ sung cụm từ “theo quy định của Luật Đầu tư công” vào quy định nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương để xác định rõ phạm vi điều chỉnh của nhiệm vụ chi này.
Liên quan đến cấp bù lãi suất, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi thuộc đối tượng đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bố trí dự toán chi đầu tư phát triển hơn 600 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho Agribank (trong đó riêng giai đoạn 2016-2020 là 406 tỷ đồng) để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách.
Thời gian vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại. Đến hết năm 2024, ước tính ngân sách vẫn còn phải cấp cho các ngân hàng thương mại khoảng 2.400 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ lãi suất.
Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để cấp bù cho các ngân hàng thương mại. Đồng thời, tại hồ sơ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất hiệu chỉnh lại khoản 6, Điều 5 về đối tượng đầu tư công theo hướng việc cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý chỉ áp dụng cho các ngân hàng chính sách, không áp dụng cho ngân hàng thương mại. Do đó, cần bổ sung quy định hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức kinh tế.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 nêu rõ, đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%; ngân sách trung ương hỗ trợ 50%, ngân sách địa phương đảm bảo 50% mức cấp bù chênh lệch lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có quy định tại văn bản luật về việc sử dụng nguồn vốn nào của ngân sách địa phương để triển khai nhiệm vụ này dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định để đảm bảo căn cứ pháp lý, rõ ràng, minh bạch cũng như sự thống nhất trong triển khai thực hiện trong toàn quốc.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngân sách địa phương có thể sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Ngoài ra, để tăng cường nguồn vốn cho tín dụng chính sách, tại Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 và Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Bí thư đã chỉ đạo cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương uỷ thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Tài chính nhận được nhiều kiến nghị của địa phương về việc làm rõ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay từ nguồn nào. Vì vậy, để đảm bảo căn cứ pháp lý cũng như sự thống nhất trong triển khai thực hiện trong toàn quốc, việc bổ sung quy định cho phép ngân sách địa phương bố trí từ nguồn chi đầu tư phát triển để ủy thác cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội là cần thiết.
Vì vậy, tại dự thảo Luật sửa 7 luật, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nội dung chi “bao gồm cả hỗ trợ lãi suất” cho rõ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương và bổ sung mới về chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương: “Cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và ủy thác cho vay qua ngân hàng chính sách để thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội tại địa phương”.
Giải quyết bất cập “vốn chờ dự án”
Bên cạnh nội dung về cấp bù lãi suất, ủy thác cho vay, theo Bộ Tài chính, nhu cầu đầu tư các dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn (đầu kỳ trung hạn chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, hoặc bố trí chưa đủ vốn) phát sinh hằng năm rất lớn. Đặc biệt là các dự án phòng chống thiến tai thích ứng biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng...
Trong khi đó, theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án đầu tư công sử dụng vốn đầu tư công và phải thuộc kế hoạch trung hạn được cấp thẩm quyền giao. Kế hoạch đầu tư công được lập theo giai đoạn trung hạn 05 năm, vì vậy, trường hợp phát sinh dự án mới, bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải thực hiện quy trình báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư qua nhiều cấp, nhiều khâu thẩm định và mất nhiều thời gian (từ 01 đến 02 năm).
Do đó, các dự án không triển khai ngay được mà phải chờ bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn và triển khai các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án mới giao được kế hoạch năm để thực hiện đấu thầu, lựa chọn nhà thầu và giải ngân. Do đó, tình trạng “vốn chờ dự án” là rất phổ biến và chưa có biện pháp khắc phục. Điển hình như nguồn tăng thu ngân sách trung ương các năm (2021, 2022, 2023) đang phải chờ các dự án được phép sử dụng hoàn thiện thủ tục để trình cấp có thẩm quyền phân bổ, giao kế hoạch vốn.
Để xử lý các vướng mắc, bất cập trên, về thẩm quyền quyết định đối với các khoản đã bố trí dự toán chi, nhưng tại thời điểm cấp có thẩm quyền quyết định phương án phân bổ chưa có đối tượng phân bổ cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mới 02 khoản tại khoản 5 Điều 19 – nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và khoản 2 Điều 30 - nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp.
Cụ thể, đối với dự toán chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên chưa được phân bổ chi tiết theo quy định, giao Chính phủ tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hoặc quyết định dự toán ngân sách nhà nước hằng năm. Đối với Hội đồng nhân dân các cấp, giao Ủy ban nhân dân tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật và báo cáo kết quả thực hiện tại kỳ họp Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hoặc quyết định dự toán ngân sách nhà nước hằng năm.
Đối với thẩm quyền quyết định hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ nguồn chi đầu tư phát triển trong các trường hợp cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 và khoản d khoản 1 Điều 38 theo hướng các khoản chi đầu tư phát triển khác do Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.