Cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh

Bộ Tài chính vừa có kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) năm 2024.

Tại Kế hoạch này, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Phấn đấu 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử, ngoại trừ các dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị Tổng cục thuộc Bộ Tài chính hoàn thành tích hợp các DVCTT thuộc phạm vi quản lý của đơn vị lên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính.

Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tại Kế hoạch hành động, Bộ Tài chính đặt mục tiêu 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVCTT toàn trình; 100% DVCTT mức toàn trình đủ điều kiện kết nối được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử Bộ Tài chính; 100% DVCTT mức toàn trình đủ điều kiện kết nối, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tối thiểu 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trực tuyến; các hệ thống thông tin của Bộ Tài chính có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia không phải cung cấp lại.

Ngoài các mục tiêu trên, Bộ Tài chính thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC đảm bảo 100% đúng hạn cho cá nhân, tổ chức; năng cao mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính ngành Tài chính.

Đồng thời, Bộ Tài chính đặt mục tiêu tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC của Bộ Tài chính. 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng DVCTT và tuyên truyền, hướng dẫn người thân sử dụng DVCTT, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp...

Lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT trên các phương diện: Tăng tỷ lệ cung cấp DVCTT và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế phát sinh. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Bộ.

Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo kịp thời, chất lượng, hiệu quả và đúng thời hạn theo Kế hoạch được ban hành.

Giao chỉ tiêu về cung cấp, sử dụng DVCTT trong 7 lĩnh vực (thuế, hải quan, chứng khoán, kho bạc, bảo hiểm, kế toán kiểm toán, tin học thống kê), Bộ Tài chính yêu cầu tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình phải đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến (từ 80% đến 100%, tùy lĩnh vực); tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến (tối thiểu) từ 50% đến 90%, tùy lĩnh vực.

Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính xác định đẩy mạnh cung cấp DVCTT là ưu tiên hàng đầu trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Ngày 16/5/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1131/QĐ- BTC phê duyệt Danh mục DVCTT toàn trình, DVCTT một phần của Bộ Tài chính.

Đến tháng 8/2024, tổng số dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 763, trong đó: 347 DVCTT toàn trình, 108 DVCTT một phần và 308 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Bộ Tài chính đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Những cải cách trên của Bộ Tài chính được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao khi hiệu ứng từ cải cách hành chính mang lại là rất thiết thực, góp phần giảm chi phí, thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua,  ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Việt Nam cho biết, cơ quan Thuế, Hải quan đã luôn đồng hành, hỗ trợ tốt các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và lấy mức độ hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo đánh giá năng lực, hiệu lực hiệu quả của cơ quan mình.

“Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận Bộ Tài chính là đơn vị có tốc độ cải cách hành chính nhanh, khối lượng dịch vụ được cải cách lớn. Điều này đã góp phần giảm chi phí, TTHC cho các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là cơ quan thuế đã chủ động nắm bắt, theo dõi chặt chẽ tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp, người nộp thuế, từ đó có chính sách hỗ trợ kịp thời”, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội nói.

Ở góc nhìn chuyên gia, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Bộ Tài chính đã nỗ lực rất lớn, thực hiện cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, chủ động phối hợp với VCCI đo chỉ số mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục thuế, hải quan.

“Với kết quả khảo sát được công bố như 94% doanh nghiệp hài lòng với thủ tục hải quan, 76% doanh nghiệp hài lòng với thủ tục thuế cho thấy sự nỗ lực từ phía Bộ Tài chính”, ông Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

Theo https://tapchitaichinh.vn/bo-tai-chinh-day-manh-cai-cach-hanh-chinh-tang-muc-do-hai-long-cua-doanh-nghiep.html