Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra những quyết định rất quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó có cả hội nhập quốc tế. Trong thời gian qua, trên đà hội nhập, Việt Nam đã ký và thực thi được rất nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và vị thế của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể.

Năm 2020, Việt Nam trở thành "quán quân" trong ký kết các FTA

Chia sẻ với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2020, với việc Việt Nam ký tới 3 hiệp định thương mại là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và Hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh (UKVFTA), chúng ta đã trở thành "quán quân" trong tổ chức thực hiện, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác.

"Đối với một nền kinh tế đang phát triển trình độ như của Việt Nam thì đây quả thực là một nỗ lực rất lớn, có ý nghĩa tích cực", người đứng đầu Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nhờ quá trình hội nhập thời gian vừa qua cũng như những kết quả cụ thể, Việt Nam đã có sự chuyển biến rất căn bản trong nền tảng vĩ mô từ cán cân xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, đến ổn định vĩ mô của nền kinh tế và của đất nước đều được đảm bảo.

Trên cơ sở đó, ổn định kinh tế, ổn định trật tự chính trị xã hội đều được bảo đảm, góp phần tạo nên những tiền đề và những nền tảng rất quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững trong những năm tới và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, chưa bao giờ chúng ta có một cơ đồ như hiện nay.

"Rõ ràng chúng ta có thể có quyền tự tin, rất tự tin vào đường hướng, quan điểm phát triển cũng như là những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong tổ chức thực thi.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Báo Lao động)

Và như vậy, năm 2021, Việt Nam hoàn toàn có quyền tự tin để hướng tới những mục tiêu rất tốt đẹp và rất khả quan mà trước hết là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ đều đã được cải thiện ổn định và phát triển theo hướng bền vững từ cấp độ khu vực đến cấp độ quốc tế", Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá.

Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm rất quý báu trong hội nhập và đó là những bài học mà chỉ có được từ thực tiễn, được chứng minh từ thực tiễn rằng nó sẽ phát huy hiệu quả. Chúng ta đã có được những nền tảng rất quan trọng để cơ sở vật chất kinh tế xã hội ổn định như đã nói ở trên, của cán cân xuất nhập khẩu.

Nói thêm về những tiền đề để nước ta tự tin bước vào năm 2021, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, chúng ta đã từng đặt mục tiêu đến năm 2020 mới có cân bằng thương mại. Nhưng liên tục từ năm 2016 đạt được thặng dư sau hàng nhiều thập kỷ chúng ta liên tục bị thâm hụt. Chúng ta đã có kiểm soát về lạm phát ở mức theo đúng định hướng điều hành để tạo ra ổn định vĩ mô, phục vụ cho phát triển. An ninh, quốc phòng, hòa bình là môi trường vô cùng cần thiết đã được chúng ta bảo đảm để phục vụ cho phát triển.

Giải quyết những nút thắt mới để hội nhập thành công

Riêng trong đối với vấn đề hội nhập, theo người đứng đầu Bộ Công Thương, còn một số vấn đề mà Việt Nam cần phải tập trung quyết liệt để giải quyết cho được.

Một là, nhận thức, hiểu biết thông qua công tác phổ biến pháp luật và cập nhật các thông tin liên quan đến các khung khổ hội nhập, các hiệp định thương mại thời gian vừa qua còn làm chưa tốt, chưa đồng bộ, chưa toàn diện ở nhiều nơi, nhiều khu vực, nhiều thời điểm. Đây là một cản trở, hạn chế việc thực thi hội nhập nói chung cũng như trong việc khai thác những cơ hội của các khung khổ hội nhập.

Hai là, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp bằng nhiều biện pháp, giải pháp, từ phổ biến pháp luật và cung cấp thông tin tuyên truyền nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế trong việc khai thác những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do hội nhập:

Đó là thông tin, đặc biệt là những thông tin chuyên sâu, cụ thể để gắn vào với những chiến lược, kế hoạch kinh doanh, đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp từ những khung khổ hội nhập này chưa được cụ thể hóa, chưa được cung cấp một cách đầy đủ và kịp thời.

Đó là bản thân cộng đồng doanh nghiệp do hạn chế về quy mô, về tiềm lực, về nguồn lực, nhân lực nên cũng chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ cho chiến lược hội nhập, đặc biệt là từ những thực tiễn của các khuôn khổ hội nhập Việt Nam đã và đang có.

Đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như cộng đồng doanh nghiệp cũng còn chưa được bảo đảm. Đặc biệt là khâu trong tổ chức như hoàn thiện hệ thống nội luật, các cơ sở pháp lý từ những cam kết hội nhập nhiều khi còn chậm trễ và không được đồng bộ đã làm cho cộng đồng doanh nghiệp và các chủ thể khác không khai thác được và thậm chí trong nhiều trường hợp còn bị chịu những thiệt hại do cạnh tranh trong hội nhập.

Để khai thác được những điều kiện, cơ hội hội nhập thì điều quan trọng là nội lực của ta phải phát triển và phải dựa trên những nền tảng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp.

"Vì vậy cả ngành nông nghiệp, các ngành công nghiệp, các ngành kinh tế khác cần phải được sớm tái cơ cấu lại để đảm bảo quy mô của của ngành sản xuất đó, năng lực, đặc biệt là năng lực dựa trên công nghệ, trên năng suất lao động, trình độ phải được giải quyết, được cải thiện", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu.

Thậm chí trong một số ngành đặc thù như ngành nông nghiệp thì những điều kiện cụ thể để phục vụ cho nâng cao năng suất lao động và trình độ công nghệ thì lại phụ thuộc chính vào vấn đề tích tụ hạn điền và trình độ của người nông dân. Đây là những nút thắt mới cần phải được giải quyết và rõ ràng, chỉ có sự vào cuộc một cách đồng bộ, nhất quán của tất cả các bộ, ngành từ trong xây dựng luật pháp, hoàn thiện thể chế cho đến thực thi các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, nhất là trong các chương trình hành động thực thi các hiệp định thương mại tự do mới giúp chúng ta giải quyết được những vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu tâm đến trình độ hiểu biết của doanh nghiệp trong các hoạt động thương mại quốc tế, đơn cử như những câu chuyện liên quan đến những rào cản kỹ thuật, liên quan đến hoạt động phát triển thị trường, liên quan đến hoạt động xử lý các tranh chấp thương mại thông qua các công cụ phòng vệ thương mại. Theo Bộ trưởng, đây đều là những yếu tố có thể nói là sẽ có thể ảnh hưởng rất sâu sắc và mạnh mẽ đến thành công của các doanh nghiệp trong phát triển thị trường và trong cạnh tranh, trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Đấy cũng là những nhiệm vụ của cơ quan chức năng như của Bộ Công Thương và bộ, ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư.

"Hy vọng và tin tưởng rằng năm 2021 với những nhận thức mới và đầy đủ, chúng ta sẽ có những hành động đầy đủ, kịp thời và có tính toàn diện, đồng bộ để từ đó thực hiện thành công được chiến lược hội nhập cũng như các chiến lược phát triển bền vững", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Nguyệt Minh
Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/bo-truong-tran-tuan-anh-viet-nam-hoan-toan-co-quyen-tu-tin-ve-nang-luc-canh-tranh/20210208105934527