Nhiều kết quả tích cực của Bộ Tư pháp trogn quý 3. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Nhiều kết quả tích cực của ngành tư pháp

Thông tin tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong Quý III tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của nước ta nói chung và công tác tư pháp nói riêng. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đã nỗ lực triển khai thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng chống tham nhũng, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Hội nghị mang ý nghĩa quan trọng nhằm mục tiêu tiếp tục rà soát, thống nhất đánh giá, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế và xác định mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ thời gian tới.

Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các Báo cáo về: Công tác thi hành án năm 2021; tình hình thi hành Hiến pháp và thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành quy định chi tiết năm 2021; công tác tương trợ tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 44 dự án, dự thảo luật, nghị quyết, nghị định và 09 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật…

Tính đến hết ngày 30/9/2021, công tác thi hành án dân sự đã thi hành xong hơn 480.000 vụ việc với trên 34.000 tỷ; trong công tác theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong có quan nhà nước đã thi hành xong 455 bản án. Các cơ quan thi hành án hành chính đã thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chức năng theo dõi thi hành án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai và theo dõi đối với 322 quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án.

Trên các lĩnh vực công tác về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, pháp luật quốc tế… đạt những kết quả tích cực.

Bà Nguyễn Thị Mai: Đơn vị không thực hiện kết quả đấu giá bị cấm tham gia đấu giá 1 năm. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Không hoàn tiền đặt trước và cấm tham gia đấu giá 01 năm

Trả lời Báo điện tử Chính phủ về thông tin UBND tỉnh An Giang đang xem xét hủy cuộc đấu giá khai thác mỏ cát tháng 3/2021 ở huyện Chợ Mới của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ T-S.Home do công ty này không nộp tiền trúng đấu giá. Theo đó, giá khởi điểm đưa ra là 7,2 tỷ đồng nhưng công ty này đã đấu giá lên đến 2.812 tỷ đồng gây xôn xao dư luận nhưng đến nay công ty không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết: Cục Bổ trợ tư pháp đã nắm được thông tin và đang theo dõi sát sao diễn biến của vụ việc.

Tuy nhiên, đây là cuộc “đấu giá thành” nên theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì việc huỷ kết quả đấu giá thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh An Giang. Pháp luật hiện hành về dân sự và khoáng sản đã có đầy đủ các quy định về xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá từ chối thực hiện nghĩa vụ sau đấu giá.

Cụ thể, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Điều 6 có quy định không hoàn tiền đặt trước cho người trúng đấu giá không nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản.

Điều 8 Nghị định này còn quy định không cho phép người trúng đấu giá từ chối nhận kết quả đấu giá sẽ không được tham gia các phiên đấu giá tiếp theo trong thời hạn 01 năm.

Về giải pháp cho tình trạng này, bà Nguyễn Thị Mai cho rằng, cần đưa giá khởi điểm tài sản đấu giá về đúng giá trị thực của tài sản. Đây là nội dung thuộc thẩm quyền trách nhiệm của người có tài sản.

Tại Chỉ thị số 40/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động đấu giá đã giao các Bộ, ngành, người có tài sản rà soát các quy định về xác định giá khởi điểm nhắm xác định đúng giá trị của tài sản đấu giá, qua đó bảo đảm chất lượng và hiệu quả cuộc đấu giá, tránh tình trạng đẩy giá lên quá cao, không bảo đảm thực chất cuộc đấu giá.

Liên quan đến việc thi hành án dân sự của Phan Sào Nam trong vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho biết, lần đầu tiên cơ quan THADS Việt Nam phối hợp với cơ quan nước ngoài thu hồi được số tiền rất lớn, lên tới 2,65 triệu USD của Phan Sào Nam gửi ở ngân hàng nước ngoài.

Tổng số tiền mà Phan Sào Nam phải thi hành án 1.475 tỷ đồng. Đến tháng 9/2021, bị án đã thi hành được 1.383 tỷ đồng và còn phải thi hành 11 tỷ đồng và 3,5 triệu USD.

Đối với công tác kiểm tra, rà soát văn bản do các địa phương ban hành trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các địa phương, bà Nguyễn Thị Thu Hòe, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Cục đã kiểm tra, rà soát 165 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của người đứng đầu các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, nhiều địa phương đã ban hành các văn bản chưa có cơ sở pháp lý như cơ sở y tế nào được xét nghiệm COVID-19, một số văn bản có biểu hiện “ngăn sông cấm chợ”… Ngay sau đó, các địa phương đã thu hồi văn bản vừa ban hành nên chưa gây ra hậu quả về pháp lý.

Lê Sơn

Theo http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Bo-Tu-phap-dang-theo-doi-vu-huy-dau-gia-2800-ty-dong-o-An-Giang/450550.vgp