Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Bộ Chính trị khóa IX đã xác định đúng và trúng những vấn đề đặt ra đối với vùng Trung du và miền núi Bắc bộ - Ảnh:VGP.

Ban Kinh tế Trung ương vừa tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW, chủ trì Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Hồng Sơn thông tin quá trình Tổng kết Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 1/7/2004 (Nghị quyết 37) của Bộ Chính trị được thực hiện trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai Đề án “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 37 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020”; giai đoạn thứ hai, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã ban hành Quyết định số 98-QĐ/BKTTW ngày 25/5/2021 thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 37 và tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh Bộ Chính trị khóa IX đã xác định “đúng” và “trúng” những vấn đề đặt ra đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; thể hiện rõ tư duy và tầm nhìn trong các chủ trương của Đảng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh của vùng.

Nghị quyết 37 ban hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển và phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng; được tổ chức triển khai chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương từ việc thể chế hóa thành các chương trình, kế hoạch, chính sách đặc thù và bổ sung nguồn lực đáng kể cho vùng. Qua hơn 17 năm Nghị quyết 37 đã đi vào cuộc sống và có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong vùng.

Các ý kiến tham gia, góp ý đều thẳng thắn, xuất phát từ thực tiễn công tác và kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý điều hành- Ảnh:VGP.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình và các yêu cầu phát triển mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế và đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Điều đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần phải có một chủ trương mới, toàn diện tập trung, xuyên suốt với tư duy và tầm nhìn mới và phù hợp với thực tiễn hơn nữa.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý nhiều nội dung cho dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị, các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà dự thảo Báo cáo đã đề ra.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ưong cho rằng các ý kiến tham gia, góp ý đều thẳng thắn, xuất phát từ thực tiễn công tác và kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý điều hành của các thành viên Ban Chỉ đạo, là nguồn tư liệu quý, góp phần quan trọng giúp Ban Chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Báo cáo tổng kết, Tờ trình và Nghị quyết mới để Báo cáo phản ánh khách quan, toàn diện hơn về những thành tựu đã đạt được sau 17 năm thực hiện Nghị quyết 37 và những chủ trương, định hướng lớn nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian tới.

Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với các kiến nghị, đề xuất được nêu trong Dự thảo Báo cáo, nhất là sự thống nhất cao của các bộ ngành, địa phương đề nghị Bộ Chính trị sớm ban hành Nghị quyết mới đối với vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với tư duy, quan điểm, tầm nhìn mới phù hợp với bối cảnh mới; kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện quy hoạch vùng để quy hoạch vùng định hướng cho các địa phương và trở thành công cụ quản lý vùng, địa phương. 

Anh Minh

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Can-co-tu-duy-tam-nhin-moi-ve-phat-trien-vung-Trung-du-va-mien-nui-Bac-Bo/455104.vgp