Nhiều người dùng Zalo cảm thấy hoang mang cho biết, kẻ lừa đảo đã lập một tài khoảng tương tự có ảnh đại diện y hệt người dùng để đi lừa đảo, vay tiền bạn bè mình. Khi được yêu cầu gọi video call để nhìn mặt thì chúng dùng những clip ghép mặt hay lives stream cho mọi người tưởng thật và tin tưởng chuyển tiền.

Điều đáng nói, bằng một cách nào đó kẻ xấu đã có được danh bạ của chính người dùng cũng như cách nói chuyện hàng ngày để tiếp cận và tiến hành lừa đảo vay tiền hàng loạt bạn bè. Bằng những hình thức lừa đảo tinh vi và chuyên nghiệp một số đối tượng còn có số tài khoản ngân hàng trùng khớp tên với tài khoản Zalo.

Chị T.T (Bắc Ninh) cho hay chị đã phải cảnh báo bạn bè người thân người của mình cẩn thận khi có người dùng tài khoản Zalo mang tên cũng như ảnh đại diện y hệt bạn của mình và số tài khoản ngân hàng trùng tên để vay mượn tiền. Nhờ cảnh báo kịp thời nên rất may không có ai chuyển khoản vào số tài khoản.  

 Người dùng phải lên mạng xã hội để cảnh báo bạn bè người thân.
 Kẻ lừa đảo có tên tài khoản Zalo và  STK ngân hàng trùng khớp.

Không được may mắn như chị T.T, chị M.T (Gia Lâm, Hà Nội) hốt hoảng cho biết chỉ trong hai ngày, một kẻ nào đó đã sử dụng Zalo có ảnh đại diện của chị đi vay mượn rất nhiều bạn bè. Thậm chí có một người bạn của chị M.T đã nhẹ dạ cả tin chuyển khoản với số tiền gần 12 triệu đồng. "Kẻ lừa đảo rất tinh vi khi vừa kết bạn với bạn bè mình đã gọi điện qua Zalo rồi cúp máy. Sau đó hắn nhắn tin cho bạn mình với lý do sóng yếu không gọi được và tiến hành vay tiền."

Nhiều người dùng Zalo đã phải lên tiếng cảnh báo tình trạng lừa đảo vay mượn tiền rất tinh vi ở ứng dụng nhắn tin.

Một số người dùng khác cho hay sở dĩ kẻ xấu dễ dàng lừa đảo như vậy vì khi kết bạn trên Zalo, người dùng sẽ không thấy được số điện thoại của nhau. Chính vì thế đây có thể là "kẽ hở" để kẻ xấu lợi dụng tiến hành lừa đảo. Vụ việc này trở nên bất thường hơn khi những người bị giả mạo tài khoản khẳng định những ngày gần đây họ không click vào đường link lạ hay cho ai biết về tài khoản của mình. Nhiều khả năng, những kẻ lừa đảo bằng cách nào đó đã hack được danh bạ của người dùng.

Đây cũng là câu hỏi lớn về vấn đề bảo mật của người dùng và chính về phía Zalo, một trong những ứng dụng nhắn tin nhiều người dùng nhất Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, đại diện Zalo vẫn chưa đưa ra bất cứ phản hồi hay cảnh báo nào cho phía người dùng.  

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin, thời gian qua các hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm lợi dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng những thủ đoạn hòng lợi dụng, đánh vào tâm lý của người dùng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy hình thức, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo vay tiền của các đối tượng xấu được cảnh báo rất nhiều nhưng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, rất nhiều người nhẹ dạ cả tin đã dễ dàng "sập bẫy".

Trước khi được phía Zalo đưa ra cảnh báo, người dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách không tải những ứng dụng không rõ nguồn gốc, không click vào những link lạ. Ngoài ra, khi nhận những tin nhắn như nhờ chuyển khoản hộ hay nạp tiền điện thoại... cần liên hệ trực tiếp người dùng đó để xác nhận xem có ai mạo danh hay không./

Bài, ảnh: Nguyễn Dung
Theo https://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/canh-giac-voi-thu-doan-vay-muon-tien-qua-zalo-580510.html