Các sản phẩm mắc ca hoàn toàn "made in Viet Nam" đang được đánh giá cao về chất lượng - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Hiệu quả tại nhiều địa phương

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, sản lượng cung và cầu thế giới về mắc ca đều tăng nhanh. Tốc độ cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm. Đến các thời điểm năm 2025 và 2030, chênh lệch cung/cầu (cung thiếu so với cầu) là tương ứng 33.600 và 74.000 tấn nhân/năm.

Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca, có thể tham gia vào thị trường sản phẩm này trong giai đoạn 2021-2030 và các năm sau đó.

Nắm bắt được nhu cầu vần đang tăng cao, từ năm 1994 Viện Khoa học Lâm nghiệp thực hiện đề tài nhập giống, nghiên cứu, trồng khảo nghiệm tại Ba Vì (Hà Tây cũ). Từ năm 2002 đến nay, Bộ NN&PTNT đã bước đầu có những đánh giá và ban hành 12 văn bản liên quan đến cây trồng này. Mắc ca chính thức  được công nhận là cây trồng đa mục đích, được trồng cả trên đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp.

Không chỉ nằm trong vườn ươm nghiên cứu, mắc ca đã được nhiều địa phương đón nhận và nhìn thâý nhiều đổi thay tích cực đời sống cho người dân từ cây trồng này.

Theo ông Bùi Văn Cường, Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk, hiện nay tại tỉnh này có khoảng 1.300ha (trồng xen 1.100 ha trồng xen và 200 ha trồng thuần). Theo số liệu nghiên cứu tại huyện Krông Năng thì năng suất trồng xen có mật độ 5 tấn/ha và trồng thuần cho trên 8 tấn/ha. Hạt mắc ca tại địa phương cho chất lượng tốt và giá thành cao đã giúp nhiều gia đình đang dần xoá đói, giảm nghèo.

Chia sẻ thêm về câu chuyện phát triển mắc ca tại địa phương, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch tỉnh Lai Châu cho biết đây là địa phương khó khăn khi phát triển nông nghiệp bởi địa hình hiểm trở khó phát triển sản xuất quy mô lớn. Cùng với đó trình độ sản xuất của người nông dân rất hạn chế nên việc phát triển kinh tế từ nông nghiệp luôn là bài toán khiến lãnh đạo tỉnh rất “đau đầu”. Tỉnh xác định mắc ca là cây phù hợp với thổ nhưỡng và phù hợp trình độ canh tác. Không những thế, đây là cây trồng sẽ mang lại độ che phủ rừng lớn. Tỉnh đã có chủ trương phát triển cây trồng này trên tỉnh với hơn 10.200ha đến năm 2025.

“Chúng tôi đã có nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ các cơ sở giống và các cá nhân tham gia trồng mắc ca. Cụ thể nông dân được hỗ trợ 100% giống, các hộ trồng xen được hỗ trợ 6 triệu đồng/ ha và các hộ trồng chuyên canh được hỗ trợ 10 triệu đồng/ ha”, ông Dũng cho biết.

Với giá 70 nghìn/kg hạt mắc ca tươi vụ vừa qua đã giúp nhiều gia đình tại Lai Châu đã “đổi đời”. Đặc biệt, theo ông Dũng, tại các hộ có diện tích xen canh có sự so sánh rõ ràng nhất về giá trị kinh tế, trong khi các diện tích chè cho khoảng 50 triệu đồng/ha thì mắc ca mang lại giá trị hơn 100 triệu/ ha.

Tương tự, tại Lâm Đồng, ông Phạm S, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết tuy mắc ca mới được phát triển tại địa phương nhưng tiềm năng lớn nên đã có 28 cơ sở doanh nghiệp thu mua và chế biến và 3 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Sản phẩm chủ yếu  là quả mắc ca sấy nứt và nhân hạt mắc ca sấy khô đóng gói theo quy cách để cung cấp cho các thị trường như siêu thị, sân bay, cửa hàng tiện lợi… và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Australia…

Ông Phạm S nêu rõ những con số thực tế: “Tổng chi phí trồng xen và mất 3 năm kiến thiết khoảng hơn 36 triệu đồng/ha, năm thứ 5 và thứ 6 là hơn 12 triệu đồng/ha. Thời kỳ kinh doanh ổn định từ năm thứ 7 trở đi là hơn 70 triệu đồng/ha. Còn nếu trồng thuần thì năm thứ 5, thứ 6 có thể đạt hơn 85 triệu đồng/ha và từ năm thứ 7 là gần 264 triệu đồng/ha”.

Không để người dân "đơn thương độc mã”

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, khi lựa chọn để phát triển bất kỳ sản phẩm nào trong ngành nông nghiệp, các yếu tố kinh tế, môi trường và an sinh xã hội được cân nhắc rất thận trọng.

"Mắc ca là đối tượng cây trồng có thể đạt được mục tiêu này, bởi đây là cây cho loại hạt rất tốt với 70% là dầu béo không no. Tại sao Australia coi hạt mắc ca là một loại thuốc bổ, là do giá trị dinh dưỡng có trong đó, nếu nâng tầm, mắc ca không chỉ là một loại thực phẩm đơn thuần mà còn là một loại thực phẩm chức năng" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. 

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do cây mắc ca rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu nên trong 10 năm qua, dù biết tiềm năng của mắc ca là rất lớn nhưng thế giới mới phát triển được 490.000 tấn, mắc ca mới chiếm 1% trong số 20 loại hạt phổ biến người tiêu dùng sử dụng.

"Cây mắc ca phát triển ở nhiệt độ khoảng 20 - 22 độ C, ở Việt Nam, Tây Bắc, Tây Nguyên là hai vùng rất phù hợp vì nhiệt độ mát mẻ, còn những vùng khác trồng có thể không ra hoa đậu quả", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ những vùng có thể trồng mắc ca.

Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch.

Tại Hội nghị về kết quả phát triển mắc ca tại Việt Nam thời gian và và định hướng thời gian tới tại Đăk Lăk hôm nay (29/9). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để cây mắc ca phát triển xứng tầm cần có quy hoạch vùng trồng, cùng với chế biến và thúc đẩy chế biến sâu. 

Thủ tướng cũng khẳng định: Mắc ca có thể là cây trồng “đi sau, về trước”, không thể để người nông dân phải “đơn thương độc mã” trong phát triển cây trồng này. Tổng hợp ý kiến của các bộ ngành, địa phương và các nhà khoa học, Thủ tướng xác định chủ trương sẽ tập trung trồng thuần mắc ca tại Tây Bắc và trồng xen tại Tây Nguyên.

Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng cần hỗ trợ cho sản phẩm này bằng cách đề xuất chính sách tín dụng chuyên biệt cho mắc ca. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương và Hiệp hội Mắc ca xây dựng chiến lược phát triển mắc ca tại Việt Nam và Nghị định về phát triển mắc ca trong thời gian tới.

Đỗ Hương

Theo http://baochinhphu.vn/Thi-truong/Cay-da-muc-tieu-khong-de-nguoi-dan-don-thuong-doc-ma/408985.vgp