Ảnh minh họa
Ông Takao Doi, giáo sư tại Đại học Kyoto và là một phi hành gia, cho biết lợi thế của vệ tinh bằng gỗ là nếu nó rơi ra khỏi quỹ đạo và bốc cháy, nó sẽ không giải phóng nhiều hạt có hại như vệ tinh làm bằng kim loại.

“Điều chúng ta lo ngại là tất cả các vệ tinh quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất đều bốc cháy và tạo ra các hạt alumin nhỏ trôi nổi trên tầng khí quyển trong nhiều năm. Sau đó, chúng sẽ gây hại đến môi trường”, ông Doi nói.

Đại học Kyoto và Công ty Lâm nghiệp Sumitomo đã lên kế hoạch thử nghiệm các loại gỗ khác nhau trong các điều kiện khắc nghiệt trên Trái đất nhằm tạo ra một loại gỗ có thể chịu được những biến động dữ dội về nhiệt độ và ánh sáng Mặt trời.

Rác và những mảnh vỡ không gian đang là mối quan tâm lớn của các chuyên gia. Ông Daniel Oltrogge, Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn và Đổi mới Không gian (CSSI), cho biết: “Sự va chạm giữa hai vật thể có khối lượng lớn (từ 1 đến 10 tấn) có thể gây ra rủi ro lớn cho môi trường.

Con số đó đang ngày càng tăng lên, đặc biệt là khi các công ty thương mại phóng các vệ tinh của riêng họ. Hãng SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã phóng gần 900 vệ tinh internet tốc độ cao Starlink và có kế hoạch phóng từ 12.000 đến 42.000 vệ tinh.

Trong khi đó, Amazon đang trong quá trình tiến hành một dự án tương tự có tên là Project Kuiper. Họ đã giành được sự chấp thuận của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ vào tháng 7 để phóng 3.236 vệ tinh.

Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), có khoảng 500.000 mẩu rác thải không gian đang trôi trong quỹ đạo Trái đất. Những mẩu này di chuyển với tốc độ rất lớn, đủ để gây hại cho các vệ tinh, tàu vũ trụ và cả Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Các chuyên gia trước đây đã cảnh báo về nguy cơ các mẩu rác thải không gian rơi xuống Trái đất khi ngày càng nhiều vệ tinh được phóng lên không gian.

Theo tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), có gần 6.000 vệ tinh đang xoay quanh Trái đất, nhưng 60% đã không còn hoạt động và coi như rác thải không gian.

Công ty nghiên cứu Euroconsult ước tính trong thập kỷ này, mỗi năm sẽ có trung bình 990 vệ tinh được phóng lên vũ trụ.

H.Phương

Theo http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Che-tao-ve-tinh-bang-go-de-tranh-xa-rac-vao-khong-gian/418377.vgp