Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc cụ thể hóa Chiến lược tăng trưởng xanh và làm tiền đề cho Lộ trình “phát thải ròng bằng 0” (PTR0), đồng thời hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững SDGs.
 
Các nhiệm vụ, hành động tại kế hoạch được tính toán và xây dựng trên cơ sở lựa chọn kịch bản tăng trưởng xanh cao có tính đến tác động tích lũy của tất cả các giải pháp khả thi về kỹ thuật. Trong đó nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên có tính đồng lợi ích, sẵn sàng về năng lực thực thi, bảo đảm cân đối chi phí - lợi ích trong dài hạn và có khả năng lan tỏa, thay vì chỉ tính đến tác động tích lũy của các giải pháp có tính khả thi về kinh tế.
Hình ảnh: Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học còn thấp, chưa thực chất số 1
Hội thảo được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững: Kết nối tầm nhìn quốc gia với hành động của địa phương và doanh nghiệp” sáng 24/9, PGS, TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Theo ước tính của các chuyên gia, nếu không bảo vệ môi trường, thì cái giá phải trả cho môi trường bị hủy hoại và ô nhiễm là khoảng 6 -7% GDP.
 
Nếu tính cả chi phí y tế để chữa bệnh cho người dân, thì tổng chi phí này đã mất 8-10% GDP. Cộng với cái giá phải trả cho văn hóa - xã hội xuống cấp khoảng 5-6% GDP.
“Với con số này thì tăng trưởng kinh tế 8-9% chưa làm cho nền kinh tế phát triển được mà thực tế là kết quả âm. Đây là một thách thức không nhỏ, nếu không phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường”, ông Lý nhận định.
Hình ảnh: Chi tiêu cho nghiên cứu khoa học còn thấp, chưa thực chất số 2
Giá phải trả cho môi trường ô nhiễm tại Việt Nam khoảng 6-7% GDP.
Chia sẻ về vấn đề thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số để tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, vẫn còn những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đó là chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất. Chi cho hoạt động sản xuất - dịch vụ (R &D) trong tương quan của Việt Nam năm 2018 chỉ bằng 0,4% GDP so với con số 3,3% GDP của Nhật Bản, 2,2% GDP của Singapore, 2,1% GDP của Trung Quốc.
 
Tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia, 62% của Thái Lan. Chi phí lao động ở Việt Nam còn thấp là một trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao.
 
Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển.
 
Bà Thủy cũng cho biết, năm 2022, ngân sách trung ương hỗ trợ khoảng 50 tỷ đồng và các địa phương cũng dành hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh và tuần hoàn.
 
“Đây là những tiền đề và nền tảng quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của mình đáp ứng yêu cầu tình hình mới”, bà Thủy nói.
 
Mặc dù đang tồn tại một số rào cản nhất định trong thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tại Việt Nam nhưng theo TS Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng tiềm năng thu hút dòng vốn cho tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho Việt Nam là rất lớn.
 
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ, sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những giải pháp tổng thể bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và cam kết toàn cầu, phù hợp với bối cảnh quốc tế và trong nước để khơi thông các nguồn lực cho tăng trưởng xanh trong thời gian tới”, ông Việt Anh cho hay.
Hà Anh
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/cong-nghe/chi-tieu-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-con-thap-chua-thuc-chat/20220924095725742