Y tế số đang được các doanh nghiệp tham gia triển khai trong nhiều lĩnh vực.

Y tế số đang được các doanh nghiệp tham gia triển khai trong nhiều lĩnh vực.

Tại Hội thảo chuyên đề Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe, diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia vào sáng ngày 29/12/2020, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế, đã giới thiệu Nền tảng Quản lý dữ liệu y tế cơ sở V20. Theo đó V20 được thiết kế để kết nối liên thông 12.000 trạm y tế cơ sở trên toàn quốc. Theo ông Nguyễn Trường Nam, y tế là một trong 8 lĩnh vực Chính phủ ưu tiên chuyển đổi số, điều này tạo thuận lợi cho ngành y tế sẽ đưa các bài toán CNTT để giải quyết những khó khăn của ngành, song chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành y tế.

Giải bài toán quá tải phần mềm tại 12.000 “Bộ Y tế thu nhỏ”

Trong đó, y tế cơ sở là một trong nhóm lĩnh vực quan trọng và cấp thiết cần chuyển đổi số. Trạm y tế cơ sở là tuyến đầu trong chăm sóc sức khỏe, song 12.000 trạm y tế tuyến đầu trên cả nước hiện nay đang có cơ sở vật chất lại thiếu thốn, nhân lực cũng yếu. Vậy Bộ Y tế đặt vấn đề là làm sao để bước đầu trong lộ trình chuyển đổi số là phải chuyển đổi số ở tuyến đầu là các trạm y tế. Bình quân mỗi trạm y tế có khoảng 5-7 cán bộ y tế, hạ tầng cơ sở vật chất khó khăn, các dữ liệu y tế cần cập nhật, báo cáo rất nhiều. Hiện tại các trạm y tế đều rơi vào tình trạng quá tải về sổ sách, có trạm có tới 57 loại sổ sách để thực hiện báo cáo, mỗi người thực hiện báo cáo một loại mất nhiều thời gian.

Bước đầu các cục, vụ trong ngành y tế đã triển khai các ứng dụng CNTT đưa tin học hóa về nơi tuyến đầu, nhưng lại sinh ra quá tải phần mềm, các trạm y tế phải triển khai từ 5-7 phần mềm, các phần mềm quản lý theo từng công việc khác nhau như: Khám chữa bệnh, tiêm chủng, quản lý bệnh lây nhiễm... Từng chuyên ngành đều yêu cầu trạm y tế phải báo cáo để phục vụ chuyên môn dẫn đến tại các trạm y tế bị quá tải phần mềm, do chưa có sự liên thông dữ liệu với nhau. Mỗi nhân viên lại phụ trách một phần mềm, một loại báo cáo khác nhau dẫn đến nhiều thông tin bị trùng lặp, nhưng lại không khớp nhau, 1 người đến khám bệnh nhưng mỗi lần lại do một phần mềm khác quản lý, dẫn đến thông tin trùng lặp, chồng chéo, không trùng khớp.

Để giải quyết các bất cập trong ứng dụng CNTT tại các trạm y tế, Bộ Y tế đã quyết định tại các trạm y tế chỉ dùng 1 phần mềm duy nhất, đây là một phần mềm được cung cấp toàn diện với nhiều modul khác nhau tích hợp tất cả các phần mềm rời rạc ở các trạm y tế hiện nay thành một hệ thống duy nhất, hệ thống này có thể theo dõi chính xác, quản lý ứng dụng hiệu quả. Tuy nhiên lại phát sinh vấn đề các modul của V20 này kết nối với hệ thống CNTT các tuyến trên thế nào (hiện nay hệ thống y tế có 4 cấp cần kết nối liên thông từ xã - huyện - tỉnh - Trung ương). Với mỗi báo cáo tất cả gom vào phần mềm chung, phần mềm chung này cần phải liên thông với các nền tảng chuyên ngành thế nào để có thể truy xuất được các dữ liệu này một cách chính xác theo thời gian thực. Bài toán công nghệ này cần phải giải quyết mới có thể ứng dụng hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, mục tiêu xây dựng hệ thống V20 là để kết nối dữ liệu liên thông suốt giữa các trạm y tế với các cơ sở y tế chuyên ngành. Quản lý dữ liệu tại các cơ sở y tế một cách tập trung, toàn diện và đáp ứng yêu cầu quản lý của hệ thống y tế 4 cấp. Hỗ trợ công tác điều hành, quản lý nâng cao khả năng phân tích, đưa ra dự báo cho bộ và các sở ban ngành, hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học, như xây dựng mô hình bệnh tật, dự báo dịch.

Hệ thống V20 được xây dựng theo nguyên tắc dữ liệu liên thông lên V20 phải đáp ứng đầy đủ thông tin quản lý trạm y tế tại Quyết định 3532 của Bộ Y tế. Dữ liệu liên thông trên hệ thống phải đảm bảo tính 2 chiều giữa các trạm y tế và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và có thể được cập nhật lại dữ liệu cũ.

“Trước đây mỗi đơn vị chuyên ngành khi cần quản lý lại đưa 1 phần mềm về trạm y tế, nay tất cả những gì cần quản lý của cả hệ thống y tế đều được tích hợp trong hệ thống phần mềm V20, chỉ một phần mềm quản lý duy nhất toàn diện quản lý tại trạm y tế, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác”, ông Nguyễn Trường Nam cho hay.

Ông Lê Đặng Anh Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm y tế điện tử, Công ty CNTT VNPT cho biết thêm, trước thực trạng quá tải phần mềm tại các trạm y tế cơ sở, VNPT sau khi phối hợp với ngành y tế khảo sát đã phát triển Hệ sinh thái y tế của VNPT HMIS có khung kiến trúc được thiết kế dựa theo quy định của Quyết định 3532 của Bộ Y tế. VNPT HMIS có 3 giá trị cốt lõi: Số hóa quy trình hoạt động trạm y tế, chỉ sử dụng một phần mềm duy nhất đầy đủ chức năng quản lý và người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn. Hiện VNPT HMIS được triển khai tại 7.500 cơ sở y tế trên toàn quốc tại 63 tỉnh, thành, mỗi tháng hệ thống quản lý 3 triệu dữ liệu về khám chữa bệnh.

Quản lý dữ liệu y tế cần phải thực hiện đồng bộ theo thế “chân kiềng”

Tại Hội thảo, các ý kiến đều đồng tình với việc cần thiết triển khai một nền tảng quản lý dữ liệu y tế cơ sở thống nhất, nếu hệ thống V20 được đưa vào quản lý thì sẽ giải quyết được những bất cập ở trạm y tế cơ sở hiện nay, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, khi triển khai vẫn cần có sự đồng bộ mới có thể khả thi.

Theo đại diện của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu triển khai V20 cần phải thực hiện theo thế chân kiềng, đồng bộ giữa 3 trụ cột: Nhân lực, hạ tầng (phần cứng, phần mềm), cơ chế chính sách (mẫu biểu, thống kê). Nếu làm đầy đủ được cả ba chân kiềng này thì công tác chăm sóc sức khỏe y tế dự phòng sẽ rất tốt.

Cũng theo đại diện Viện Dinh dưỡng quốc gia, trạm y tế xã được như một “Bộ Y tế thu nhỏ”, bởi tất cả các chuyên ngành của Bộ Y tế triển khai đều tập trung tại các trạm y tế, như vậy đòi hỏi nguồn nhân lực ở đây cần phải được đào tạo để đáp ứng được yêu cầu công việc. Nếu không chuẩn hóa về nhân lực thì có rất nhiều vấn đề xảy ra, một nhân lực không thể sử dụng được tất cả các phần mềm, dẫn đến tình trạng mỗi phần mềm 1 người nhập, nên số liệu không đồng nhất. Bên cạnh đó, để triển khai đồng bộ từ trạm y tế cho tới các đơn vị trung gian, đến Bộ Y tế thì cần nhiều mẫu biểu khác nhau. Số liệu đầu vào từ trạm y tế mà không chuẩn hóa thì độ tin cậy không cao, số liệu phải đạt chuẩn mới đưa vào hệ thống thống kê được.

Hệ thống V20 nếu được triển khai đồng bộ trên toàn quốc, thì việc quản lý khám chữa bệnh của người dân cũng thuận tiện hơn nhiều. Ví dụ, mỗi người dân có một mã ID y tế, hay dấu vân tay, thì khi đó đi khám chữa bệnh họ sẽ không cần phải mang theo thẻ bảo hiểm y tế hay bất cứ giấy tờ nào. Hiện nay dù có quản lý bằng Thẻ bảo hiểm y tế giấy thì vẫn có trường hợp đi lĩnh thuốc thay hoặc đi khám không đúng người, nhưng nếu quản lý bằng vân tay hay mã ID y tế thì không thể có gian lận trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được. Việc cập nhật dữ liệu bệnh tật phục vụ cho công tác quản lý, nghiên cứu khoa học cũng chính xác và thuận tiện hơn nhiều.

Mô hình kiến trúc hệ thống V20 quản lý y tế cơ sở tại các xã phường.

Mô hình kiến trúc hệ thống V20 quản lý y tế cơ sở tại các xã phường.

“Các doanh nghiệp hứa hẹn rất nhiều, nhưng thực tế không làm được”

Bác sĩ Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu ra những khó khăn ở trạm y tế cơ sở khi ứng dụng phần mềm quản lý. Theo bác sĩ Chỉnh, lĩnh vực y tế dự phòng cần phải được hết sức quan tâm ứng dụng CNTT, hiện nay việc triển khai các phần mềm chuyên ngành tại các trạm y tế cơ sở có rất nhiều vướng mắc. Bao gồm từ thiếu thốn hạ tầng máy tính, thiếu nhân lực, đến cơ chế triển khai vướng mắc rất nhiều.

“Ở trên chỉ vẽ ra, ở dưới khó triển khai được. Ví dụ, việc triển khai cập hồ sơ chăm sóc sức khỏe gia đình, đến giờ chưa hoàn thiện như mong muốn. Khi triển khai phần mềm các doanh nghiệp như VNPT, Viettel đều hứa hẹn rất nhiều là sẽ triển khai tốt, nhưng thực tế thì không làm được như lời hứa. Khi đổ dữ liệu về tuyến tỉnh rơi vào tình trạng “trăm hoa đua nở”, không làm nổi như kế hoạch ban đầu”, bác sĩ Chỉnh thẳng thắn nói.

Cũng theo bác sĩ Chỉnh, ý tưởng tập trung dữ liệu trên một hệ thống là rất tốt, nhưng vấn đề là phải làm sao để làm được. Cục CNTT nếu không ban hành được khung giá thuê dịch vụ CNTT để các cơ sở y tế áp dụng thì không thể làm được. Hiện giá thuê phần mềm mỗi nơi áp dụng một kiểu, trong thời điểm này rất khó định giá dịch vụ thuê phần mềm nên rất khó triển khai chuyển đổi số ở tuyến cơ sở.

Theo đại diện Sở Y tế Thừa Thiên Huế, nếu triển khai được hệ thống V20 thì rất tốt cho trạm y tế cơ sở, do đó Nhà nước cần sớm ban hành khung pháp lý để sử dụng hệ thống V20, sớm tổ chức tập huấn để các sở y tế triển khai, nếu triển khai được hệ thống V20 sẽ là sự đột phá trong quản lý y tế tuyến cơ sở.

Trước các kiến nghị nói trên, ông Nguyễn Trường Nam cho rằng, khi đi khảo sát ở các tỉnh, Cục CNTT cũng thấy rằng tại các tỉnh có nhiều trăn trở khi triển khai ứng dụng CNTT, đặc biệt việc triển khai phần mềm y tế cơ sở còn nhiều khó khăn. Nếu việc đưa hệ thống V20 thay thế các hệ thống phần mềm riêng lẻ đang áp dụng sẽ là một đột phá của chuyển đổi số trong y tế. Đây là mong muốn của ngành y tế, do đó để có thể đi vào ứng dụng như mong muốn thì cần phải ngồi đối thoại với các doanh nghiệp xây dựng hệ thống. Bước đầu các doanh nghiệp như VNPT, Viettel phải cùng nhau ngồi với Bộ Y tế để cho ra một bài toán duy nhất sau khi áp dụng trên toàn quốc mới có thể thống nhất được.

Đối với băn khoăn lớn nhất là về tài chính, ông Nam cũng cho rằng, khi đầu tư chuyển đổi số cần nguồn tài chính lớn, hiện tại Cục CNTT và Vụ Tài chính của Bộ Y tế đang xây dựng quy định về định mức nguồn chi phí chi cho CNTT để từ đó các đơn vị trong ngành có căn cứ để thuê dịch vụ CNTT cho hiệu quả.

Đỗ Quyên
Theo https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/chinh-phu-so/chuyen-doi-so-y-te-co-so-doanh-nghiep-cntt-khi-trien-khai-hua-hen-rat-nhieu-nhung-thuc-te-khong-lam-duoc/20201229052900161