Trước thềm chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Moskva có cuộc trao đổi với các học giả và chuyên gia Nga về những kết quả đạt được trong 20 năm thiết lập Đối tác chiến lược và gần 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga và những triển vọng hợp tác trong giai đoạn tiếp theo.
Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Vladimir Kolotov thuộc Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Liên bang Nga là kết quả tất yếu của sự tiếp xúc và hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa hai nước, bắt đầu từ những năm 1920, khi Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh lần đầu đến thành phố Leningrad (Liên Xô) nay là Saint Petersburg. Ông cho rằng quá trình này không đơn giản chỉ là một đường thẳng đồng nhất mà có những giai đoạn thăng trầm riêng.
Giáo sư Kolotov khẳng định: “Bất chấp mọi khó khăn có tính chất khách quan và chủ quan, ngay cả khi so sánh với những tiêu chuẩn khắt khe nhất của thực tiễn ngoại giao thế giới, thì sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga vẫn ở mức cao nhất, điều này đặc biệt có giá trị trong thời kỳ đầy biến động của thời đại chúng ta."
Theo ông, hai nước không có mâu thuẫn sâu sắc trong cách tiếp cận giải quyết các vấn đề quốc tế lớn. Trong trường hợp cần xử lý những vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực, thì hai bên tiến hành phân tích khách quan và từng bước loại bỏ những trở ngại để tiến về phía trước.
Giáo sư Kolotov nhấn mạnh trong thực tiễn ngoại giao thế giới, đây chính là biện pháp tốt nhất để giải quyết những vấn đề như vậy.
Đánh giá 20 năm triển khai Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược Việt-Nga, Giáo sư Kolotov nhấn mạnh những kết quả quan trọng hàng đầu mà hai bên đã và đang đạt được trong các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự và năng lượng. Ngoài ra, một trong những dự án hợp tác song phương độc đáo cho thấy tính chất quan hệ đối tác chiến lược đang được phát huy hiệu quả đó là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga - nơi thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và những nghiên cứu ứng dụng quan trọng khác.
Bên cạnh đó, Viện Hồ Chí Minh, được thành lập vào năm 2010 tại Saint Petersburg trên cơ sở phối hợp giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, cũng đã trở thành nơi chuyên nghiên cứu về Việt Nam đương đại.
Thời gian gần đây, mặc dù đại dịch COVID-19 bùng phát, nhưng các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Việt Nam và Liên bang Nga vẫn diễn ra với mật độ cao. Các học giả Nga đánh giá những cuộc tiếp xúc như vậy cho thấy tính chất đặc biệt của quan hệ Việt-Nga, mang lại những kết quả cụ thể cho người dân hai nước trong bối cảnh Việt Nam và Liên bang Nga, cũng như toàn thế giới đang nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19.
Giáo sư Kolotov cho rằng chính trong thời kỳ thử thách của đại dịch COVID-19, quan hệ Nga-Việt đã thể hiện sự ổn định và cho thấy không bị dao động nhất thời. Các nhà lãnh đạo của hai nước vẫn giữ liên lạc thường xuyên và luôn sẵn sàng hỗ trợ đối tác khi cần.
Giáo sư Kolotov lấy ví dụ Việt Nam đã gửi khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế hỗ trợ Liên bang Nga vượt qua làn sóng đầu tiên đầy khó khăn của đại dịch COVID-19. Không lâu sau khi vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 được đăng ký tại Nga, hai nước đã nhanh chóng đạt thỏa thuận về việc chứng nhận tiêu chuẩn cho một nhà máy tại Việt Nam là nơi sản xuất vaccine Sputnik V đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Theo ông, không phải ngẫu nhiên mà câu nói “Trong lúc gian nan mới biết ai là bạn tốt” được nhắc đến nhiều lần ở hai nước trong thời điểm này.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á-Âu Grigory Trofimchuk cho rằng hợp tác giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong việc chống lại đại dịch COVID-19 là minh chứng cho thấy cách thức tổ chức hiệu quả quá trình này trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Ông đánh giá Việt Nam đã thể hiện là một trong những trụ cột chính trong cuộc chiến chống COVID-19 ở châu Á. Vượt qua nhiều khó khăn và thử thách trong thời gian gần đây, Việt Nam đang dần mở cửa các khu du lịch bắt đầu đón nhận du khách nước ngoài.
Theo chuyên gia Trofimchuk, đây là tin vui với nhiều người dân Nga và cá nhân ông luôn có mong muốn trở lại thăm Việt Nam.
Theo ông Trofimchuk, lãnh đạo Nga nhiều lần khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia quan trọng ở châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Mức độ hợp tác kinh tế Việt-Nga đang tăng trưởng ổn định ngay cả trong đại dịch COVID-19 cho thấy tiềm năng to lớn trong tương lai, khi vấn đề dịch bệnh toàn cầu này được khắc phục.
Các chuyên gia Nga cho rằng chương trình nghị sự chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chắc chắn rất sôi động, bởi hai bên còn rất nhiều điều để thảo luận về hợp tác song phương cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.
Ông Trofimchuk tin rằng tình hữu nghị của hai nước sẽ góp phần giải quyết các vấn đề chính trị quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và Việt Nam sẽ tìm ra phương hướng giải quyết bất ổn ở khu vực, vốn cản trở các nước liên quan phát triển kinh tế trong thời đại mới.
Các chuyên gia Nga tin rằng chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc sẽ trở thành biểu tượng cho việc đạt đến tầm cao lịch sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, là dịp để người dân Nga hiện nay hiểu biết hơn về đất nước Việt Nam hiện đại./.
Theo TTXVN