Hình ảnh: Cùng nhau xây dựng vì hòa bình và thịnh vượng số 1
 Từ  51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên (Ảnh: UN)

Liên hợp quốc chính thức thành lập ngày 24/10/1945 với bốn mục tiêu: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; Xây dựng Liên hợp quốc làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Các nguyên tắc hoạt động chủ đạo của Liên hợp quốc quy định trong Hiến chương là: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Thực hiện các nghĩa vụ quốc tế; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.

Với những quyền hạn do Hiến chương đem lại và vị thế quốc tế đặc thù, Liên hợp quốc có thể đưa ra những quyết sách chung đối với những vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biển đổi khí hậu, phát triển bền vững, các quyền con người, giải trừ quân bị, khủng hoảng nhân đạo và y tế, bình đẳng giới…

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng là diễn đàn để các nước thành viên thể hiện quan điểm tại Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế-Xã hội và các cơ quan, ủy ban trực thuộc khác. Thông qua việc thúc đẩy đối thoại, chủ trì thương lượng, Liên hợp quốc trở thành cơ chế để các quốc gia thành viên thúc đẩy các điểm đồng và cùng nhau giải quyết các vấn đề chung.

Từ  51 quốc gia thành viên khi được thành lập, Liên hợp quốc hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban Kinh tế - Xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực.

Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, Liên hợp quốc đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn.

Hình ảnh: Cùng nhau xây dựng vì hòa bình và thịnh vượng số 2
 Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres (Ảnh: UN)

Trong thông điệp nhân Ngày Liên hợp quốc năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres khẳng định Liên hợp quốc là “sản phẩm của niềm hi vọng”, là hiện thân của hy vọng  và quyết  tâm vượt qua xung đột hướng tới hợp tác toàn cầu.

“Giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần làm sống động các giá trị và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc ở mọi nơi trên thế giới”, Tổng Thư ký nói. Ông cũng chỉ ra các cách để làm được điều này, đó là: bằng cách tạo cơ hội cho hòa bình và chấm dứt các cuộc xung đột gây nguy hiểm cho cuộc sống, tương lai và tiến bộ toàn cầu; bằng cách nỗ lực để chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực, giảm bất bình đẳng và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững; bằng cách bảo vệ hành tinh của chúng ta, bao gồm bằng cách từ bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch và khởi động cuộc cách mạng năng lượng tái tạo; cân bằng các quy mô cơ hội và tự do cho phụ nữ và trẻ em gái và đảm bảo quyền con người cho tất cả mọi người.

Người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Chúng ta hãy nối lại hy vọng và niềm tin vào những gì mà nhân loại có thể đạt được khi hợp tác cùng nhau, trong sự đoàn kết toàn cầu”./.


Song Anh
Theo https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/cung-nhau-xay-dung-vi-hoa-binh-va-thinh-vuong-622696.html