Theo đó, đối tượng thực hiện kiểm kê được xác định theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 01/3/2024. Tại Hướng dẫn này, Bộ Tài chính đã xây dựng 19 mẫu biên bản kiểm kê và 19 mẫu biểu báo cáo kết quả kiểm kê, đảm bảo bao quát đầy đủ các loại hình TSC.
Theo Đề án được phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg, thời điểm kiểm kê được ấn định thực hiện là từ 0h ngày 01/01/2025 đến 31/3/2025. Đến ngày 1/7/2025 hoàn thành việc tổng hợp kết quả kiểm kê, xây dựng báo cáo tổng hợp về tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý trên phạm vi cả nước.
Liên quan đến việc xác định chỉ tiêu về giá trị tài sản tại các mẫu, biểu, Bộ Tài chính quy định rõ từng loại tài sản. Đối với tài sản đang được theo dõi trên sổ kế toán thì xác định giá trị tài sản theo nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản trên sổ kế toán tại thời điểm kiểm kê.
Đối với tài sản chưa được theo dõi trên sổ kế toán thì đối tượng thực hiện kiểm kê có trách nhiệm căn cứ vào các hồ sơ liên quan đến tài sản để xác định nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản, trong đó có tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, cụ thể như sau:
Thứ nhất, với tài sản cố định hữu hình hình thành từ mua sắm có hồ sơ xác định giá mua và thời điểm đưa tài sản vào sử dụng của tài sản đó thì nguyên giá được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.
Thứ hai, với tài sản cố định hữu hình hình thành từ đầu tư xây dựng có hồ sơ xác định giá xây dựng và thời điểm đưa tài sản vào sử dụng của tài sản đó thì nguyên giá được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.
Thứ ba, với tài sản cố định hữu hình không có hồ sơ xác định giá mua hoặc giá xây dựng của tài sản đó nhưng có căn cứ để xác định thời điểm đưa tài sản vào sử dụng và giá mua mới của tài sản cùng loại hoặc giá xây dựng mới của tài sản có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương tại thời điểm đưa tài sản vào sử dụng (Văn bản liên quan đến nghiệm thu, đưa tài sản vào sử dụng; Biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản; nguyên giá của tài sản tương đương đã hạch toán;…) thì nguyên giá được xác định theo quy định tại điểm a2 khoản 5 Điều 6 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.
Thứ tư, với tài sản cố định đặc thù thì nguyên giá, giá trị còn lại được xác định theo giá quy ước là 10 triệu đồng/01 đơn vị tài sản.
Thứ năm, với tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất thì nguyên giá được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 23/2023/TT-BT; giá trị còn lại được xác định bằng nguyên giá.
Thứ sáu, với tài sản cố định vô hình không phải là quyền sử dụng đất: Trường hợp có căn cứ (Hóa đơn, chứng từ, phê duyệt dự toán, quyết toán,…) để xác định được chi phí hình thành tài sản cố định vô hình thì nguyên giá được xác định là toàn bộ các chi phí hình thành tài sản cố định vô hình đó.
Thứ bảy, giá trị còn lại của tài sản cố định đã xác định nguyên giá theo loại nêu trên tính đến ngày 31/12/2024 được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 23/2023/TT-BTC.
Tại Hướng dẫn này, Bộ Tài chính còn hướng dẫn xác định chỉ tiêu về giá trị tài sản tại các mẫu, biểu đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao thông (trừ giao thông đường bộ), thủy lợi; tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và tài sản kết cấu hạ tầng khác.
Ngoài ra, đối với tài sản chưa được theo dõi trên sổ kế toán và không có căn cứ để xác định nguyên giá, giá trị còn lại của tài sản thì xác định nguyên giá và giá trị còn lại của tài sản là 1 đồng.
Trường hợp các tài sản này là tài sản kết cấu hạ tầng có đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mở rộng, cải tạo theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt mà dự án đó hoàn thành nghiệm thu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2024 thì bổ sung thông tin về “Giá trị đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo” tại các Biên bản kiểm kê và Báo cáo kết quả kiểm kê.
Giá trị đầu tư nâng cấp, mở rộng, cải tạo ghi nhận là giá trị theo quyết toán được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp đã hoàn thành, nghiệm thu nhưng chưa có quyết toán thì xác định theo thứ tự ưu tiên sau: Giá trị thẩm tra quyết toán; Giá trị đề nghị quyết toán; Giá trị xác định theo Biên bản nghiệm thu A-B; Giá trị theo hợp đồng hoặc hợp đồng điều chỉnh lần gần nhất đã ký kết; Giá trị tổng mức đầu tư hoặc dự toán dự án được phê duyệt hoặc dự toán dự án được điều chỉnh lần gần nhất.
Bộ Tài chính quy định, đối tượng thực hiện kiểm kê có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm kê cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên (nếu có cơ quan quản lý cấp trên) hoặc cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê (nếu không có cơ quan quản lý cấp trên). Cơ quan quản lý cấp trên chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê tài sản do cơ quan mình đang quản lý/tạm quản lý và kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cấp dưới để báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm kê.
Các bộ, cơ quan trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, kết quả kiểm kê của các doanh nghiệp do Bộ, cơ quan trung ương là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm kê của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện, báo cáo của các Sở, ngành, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh, báo cáo của Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy, kết quả kiểm kê của các doanh nghiệp do UBND cấp tỉnh là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp…