Hình ảnh: Đại biểu Quốc hội: Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế đặc biệt số 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và thảo luận tại tổ về nội dung này, với 128 ý kiến đại biểu phát biểu tại tổ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận và một số nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra và các vấn đề khác đại biểu Quốc hội quan tâm, tập trung vào tính hợp hiến, sự phù hợp của chủ trương của Đảng, với cam kết quốc tế, tính thực tiễn, khả thi, cân đối lợi ích của Thành phố Hồ Chí Minh với tổng thể quốc gia và các tỉnh, thành phố khác.

Bổ sung những ưu đãi mang tính cam kết dành cho các nhà đầu tư chiến lược


Phát biểu ý kiến, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng. Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều rất mong muốn, kỳ vọng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, thực sự là đô thị hạt nhân, là cực và động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của toàn vùng và của cả nước”.

Góp ý hoàn thiện dự thảo, quan tâm đến thu hút nhà đầu tư chiến lược, cơ bản đồng tình với dự thảo song đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để đảm bảo những ưu đãi này vẫn còn nguyên giá trị, sự hấp dẫn khi Việt Nam thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI trên phạm vi cả nước trong khuôn khổ thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu vào đầu năm 2024.  

Dẫn phát biểu của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì những yếu tố quyết định để thu hút vốn FDI đó là: “môi trường chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp luật, chất lượng hạ tầng, khả năng chống chịu của hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực”, đại biểu đề nghị cân nhắc, bổ sung những ưu đãi mang tính cam kết, thể hiện rõ hơn trách nhiệm cũng như những lợi thế cạnh tranh riêng có mà Thành phố dành cho các nhà đầu tư chiến lược. Ví dụ như được ưu tiên xây dựng hạ tầng chất lượng cao, xanh, sạch và thân thiện, có khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như những cơ chế ưu tiên đặc biệt về thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư chiến lược.

Cũng về nội dung này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông) cho rằng với quy định được hỗ trợ một phần chi phí của dự án từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách thành phố, tiêu chí điều kiện, mức hỗ trợ, nội dung, hình thức hỗ trợ và thời điểm hỗ trợ cụ thể do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định là chưa rõ ràng và minh bạch. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về các chính sách ưu đãi, đặc biệt là liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước dù cho đó là ngân sách của thành phố, đồng thời phải có đánh giá tác động chi tiết để báo cáo Quốc hội.

Đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù, mà cần phải có cơ chế đặc biệt; không chỉ vượt trội, cần cơ chế đi trước để Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa chín

Cần cơ chế lâu dài thu hút đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài

Nêu quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) tin rằng chính sách trong nghị quyết có tác động lan tỏa rất lớn, vì khi kinh tế Thành phố Chí Minh phát triển, thu ngân sách lớn thì cả nước cùng được hưởng lợi từ chính sách này. Nhưng trong bối cảnh chỉ có 5 năm với nguồn lực có hạn, cần tập trung nguồn lực để phát triển mạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ cho thành phố, hạ tầng kết nối vùng Đông Nam Bộ, cần xác định rõ danh mục các công trình trọng điểm, tập trung sức để hoàn thành thì sẽ khả thi hơn. 

Đại biểu kiến nghị cần quy định thêm cho phép thành phố được dùng ngân sách nhà nước hoặc các nguồn lực hợp pháp khác mua lại các trạm BOT, nhất là các trạm gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cả vùng. Ngoài ra, cần bổ sung một điều quy định về cơ chế, nguyên tắc phối hợp thực hiện nhiệm vụ. 

“Đây là vấn đề rất quan trọng, vì nhiều chính sách của Thành phố có liên quan trực tiếp đến các bộ, ngành trung ương, địa phương khác, nhất là vấn đề liên quan đến từ 2 tỉnh, thành trở lên. Vấn đề có ý kiến khác nhau giữa thành phố với bộ, ngành trung ương, những vấn đề chưa được luật định, nếu chỉ quy định chung chung sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, dự báo sẽ phát sinh những việc chưa có trong quy định của luật và của nghị quyết này. Cần trao cho Thành phố Hồ Chí Minh thêm cơ chế đặc biệt, báo cáo Chính phủ và xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đảm bảo tính khả thi và kịp thời, hiệu quả” - đại biểu lí giải.

Đề nghị khác được đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đưa ra là Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế lâu dài thu hút đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài từ xa, từ sớm, từ lúc là học sinh THPT. Đại biểu dẫn kinh nghiệm một số nước tiên tiến có thể tham khảo như Israel, một quốc gia khởi nghiệp hàng đầu từ lâu đã cho học sinh lớp 4 học code, lớp 10 học mã hóa an ninh mạng và chống hacker, có trường mầm non đã dạy kỹ năng máy tính và nghiên cứu rô bốt. Đồng thời, 45 năm qua, các học sinh xuất sắc nhất từ lớp 11, lớp 12, mỗi trường tại Israel chọn ra 3 đến 6 học sinh xuất sắc, phân loại theo các nhóm tài năng, trong đó những học sinh giỏi nhất về toán học, về khoa học, về lập trình được miễn phí nơi ăn học, học đại học, học cao học miễn phí, bố trí việc làm nhiều năm tại các đơn vị công nghệ hàng đầu quốc gia. “Tôi nghĩ Thành phố Hồ Chí Minh có đủ cơ hội, khả năng để đi tiên phong trong vấn đề này nếu có 1 cơ chế vượt trội đầu tư cho giáo dục, cho khoa học, công nghệ, xây dựng thành phố trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước và khu vực ASEAN” - đại biểu nêu quan điểm.

Theo đại biểu, Nghị quyết sẽ mở ra cơ hội rất lớn để Thành phố Hồ Chí Minh cất cánh, vươn tầm khu vực và quốc tế trong tương lai rất gần. Nhấn mạnh điều này, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần sớm có nghị quyết tương tự cho các vùng và luật cho các đô thị đặc biệt. Có như vậy mới tạo ra không gian phát triển mới, điều phối, liên kết chặt chẽ hơn nữa trong phát triển vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.

Đóng góp ý kiến, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) nhận định cần dành cho Thành phố Hồ Chí Minh một quy chế đặc biệt để phục vụ khoa học, công nghệ cao, chuyển đổi số và các vấn đề liên quan đến phát triển công nghệ cao hàng đầu của cả nước.

Theo đại biểu, về thu hút, lựa chọn, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần làm kỹ hơn và có cơ chế thông thoáng theo tư duy công nghiệp hiện đại để thu hút, trọng dụng nhân tài và tập trung các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu khu vực theo Nghị quyết 54. "Vấn đề này thời gian qua làm chưa tốt, nếu nghị quyết được Quốc hội thông qua thì cần giao cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể chỉ đạo triệt để thực hiện vấn đề này" - đại biểu đề nghị./.

TG

Nguồn: dangcongsan.vn