Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh bứt phá, Đạm Hà Bắc vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là chi phí lãi vay, cần tái cơ cấu tài chính kịp thời, tận dụng tối đa cơ hội để phát triển bền vững.

Câu chuyện “hồi sinh” mạnh mẽ của Đạm Hà Bắc

Chia sẻ tại tọa đàm “Đạm Hà Bắc hồi sinh - bài học kinh nghiệm và hướng đi mới” của Báo Công Thương ngày 23/8 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Tú - thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết: Đạm Hà Bắc là đơn vị thành viên của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có bề dày truyền thống lịch sử được thành lập năm 1960, là doanh nghiệp sản xuất phân đạm đầu tiên của cả nước. Sản phẩm phân bón urê của Công ty là sản phẩm gần gũi, thân thuộc với bà con nông dân, phục vụ nền nông nghiệp nước nhà và góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Dự án mở rộng kết hợp với cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có được vận hành đi vào sản xuất năm 2015 đã tăng công suất nhà máy từ 180 nghìn tấn/năm lên 500 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, từ khi dự án đưa vào khai thác vận hành thì trong giai đoạn 2015-2020 đã phát sinh lỗ lũy kế 4.760 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm tới 2.037 tỷ đồng.

Hình ảnh: Đạm Hà Bắc “hồi sinh” và câu chuyện tái cơ cấu để phát triển bền vững số 1

Ông Nguyễn Hữu Tú - thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem): Năm 2021, năm 2021, Đạm Hà Bắc đã trả nợ cho các ngân hàng là 1.546 tỷ đồng, bằng gần 22% tổng nợ gốc các ngân hàng cho vay dự án. 

Năm 2021, trong bối cảnh tình hình rất khó khăn do dịch bệnh Covid - 19, đặc biệt là tỉnh Bắc Giang có thời gian dài là tâm dịch, chuỗi cung ứng gián đoạn, nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh cùng với gánh nặng chi phí tài chính,nhưng Công ty đã khắc phục khó khăn, sớm chủ động thực hiện tốt “3 tại chỗ” nên không bị gián đoạn sản xuất và đã đạt được kết quả hết sức tích cực: từ chỗ lỗ phát sinh năm 2020 lên tới 1.466 tỷ đồng đã chuyển thành có có lãi 6,25 tỷ đồng năm 2021. Cụ thể: tổng sản lượng sản xuất quy đổi ra urê đạt 448 nghìn tấn,tiêu thụđạt 473 nghìn tấn, tăng 5% so với năm 2020; Tổng doanh thu đạt 4.498 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2020; Lãi 6,25 tỷ đồng.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2022, tuy bối cảnh tình vẫn rất khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao tác động từ cuộc xung đột Nga - Ucraina dẫn đến đầu vào nguyên vật liệu tăng đột biến nhưng Tập đoàn, Công ty đã chủ động xây dựng các kịch bản, nắm bắt cơ hội nên kết quả đạt được là rất khả quan: tổng sản lượng sản xuất quy đổi ra urê đạt 237 nghìntấn, tiêu thụđạt 251 nghìn tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2021; Tổng doanh thu đạt 3.585 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2021; Lợi nhuận đạt 1.347 tỷ đồng, là đơn vị có lợi nhuận cao nhất Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Trong tháng 7/2022, nhà máy tiếp tục đạt sản lượng sản xuất 43.600 tấn ure quy đổi (105% công suất thiết kế), tiêu thụ toàn bộ và đạt lợi nhuận 181 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, Công ty đã thực hiện được nghĩa vụ trả nợ cho các ngân hàng là 1.546 tỷ đồng, bằng gần 22% tổng nợ gốc các ngân hàng cho vay dự án.

Hồi sinh từ “cùng tắc biến”

Bình luận về sự bứt phá điển hình của Đạm Hà Bắc, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, Đạm Hà Bắc đã có sự khởi sắc đúng lúc thời điểm khó khăn nhất. Chính là trong giai đoạn đỉnh điểm cao trào của đại dịch Covid 19 mà Bắc Giang là tâm dịch, nơi bộn bề khó khăn.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, cách đây 3 năm, bức tranh của các dự án trong 12 dự án yếu kém ngành công thương có thể nói là “cực kỳ u ám”! Nhưng gần đây đã có những khởi sắc nhất định. Câu chuyện bứt phá của Đạm Hà Bắc cho chúng ta thấy một nguyên lý đó là “cùng tắc biến” – khó khăn đến đường cùng đẩy doanh nghiệp phải nỗ lực, phải đến lúc xoay chuyển tình hình. Cái “cùng” của Đạm Hà Bắc lại đúng vào thời điểm dịch Covid, và đây cũng là thời điểm để Đạm Hà Bắc “phất cờ đứng dậy”. Đây chính là thời điểm để công ty tái cấu trúc lại tổng thể. Tại tâm dịch bắc giang, Đạm Hà Bắc đã chủ động sáng kiến tổ chức hành động với hàng loạt tổng thể giải pháp linh hoạt từ chính doanh nghiệp. Và Đạm Hà Bắc đã xoay chuyển mạnh mẽ với một quyết tâm quyết liệt hành động tổng lực với toàn bộ hệ thống chính trị cùng đồng lòng hiệp lực để nỗ lực hành động chung.

Hình ảnh: Đạm Hà Bắc “hồi sinh” và câu chuyện tái cơ cấu để phát triển bền vững số 2

PGS.TS Trần Đình Thiên: Đạm Hà Bắc đã "hồi sinh" từ "cùng tắc biến".

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Đức Ninh - Tổng giám đốc Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho biết: Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước từ cuối tháng 4. Trong đó, Bắc Giang là tâm điểm của dịch trong tháng 5, tháng 6. Thời điểm “căng như dây đàn” này, Công ty luôn thường trực nguy cơ ngừng sản xuất trong trường hợp có người lao động dương tính với Covid-19; Dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng đến lưu thông hàng hoá, sản phẩm; thời gian vận chuyển kéo dài và phát sinh chi phí lấy mẫu xét nghiệm khi qua các chốt kiểm dịch; Giá than thế giới tăng mạnh, giá bán than cám 4a.1 trong nước tăng 16% làm tăng giá thành sản xuất khoảng 310.000 đồng/tấn Urê làm giảm hiệu quả.

Trước những khó khăn trên, Công ty đã nỗ lực, đoàn kết và đạt được mục tiêu kép là kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh đồng thời duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, an toàn và hiệu quả với nhiều giải pháp linh hoạt như: Chủ động sắp xếp bố trí lao động trong khu vực sản xuất cắm trại tại chỗ. Động viên người lao động yên tâm bám trụ sản xuất, giảm tối đa lao động gián tiếp đi làm để thực hiện giãn cách. Có chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động khi triển khai áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Công ty đã duy trì sản xuất liên tục và vận hành công nghệ ổn định với phụ tải trung bình của các ngày chạy máy theo sản lượng quy đổi về Urê đạt 90,99% công suất; đảm bảo an toàn, môi trường.

Đối diện khó khăn về tài chính do “lãi chồng lãi”

Thực tế trong thời gian qua, chi phí tài chính luôn là vấn đề khó khăn nhất trong quá trình hoạt động của Đạm Hà Bắc, thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, bình quân giai đoạn 2015-2020 lãi vay chiếm 24,4% giá thành sản xuất. Tổng số nợ vay đầu tư của dự án là 7.207 tỷ đồng trong đó Ngân hàng Phát triển là 4.125 tỷ đồng, ngân hàng thương mại là 3.082 tỷ đồng. Tính riêng khoản vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) nợ vay ban đầu là 4.125 tỷ đồng thì đến 31/12/2021, Công ty đã trả VDB 2.323 tỷ đồng. Nhưng vẫn còn nợ tới 6.400 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 3.042tỷ đồng, nợ lãi 3.358tỷ đồng lớn hơn nợ gốc (lãi phạt 1.172 tỷ đồng). Lãi suất vay vốn bình quân là 10,43%/năm (mức cao nhất là 12%), lãi phạt lên đến 15,64%.

Tính riêng trong năm 2021, tuy Công ty đã trả nợ được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tới 745 tỷ đồng nhưng nghĩa vụ nợ phải trả lại tăng thêm 79 tỷ đồng từ 6.321 tỷ đồng đầu năm lên 6.400 tỷ đồng vào cuối năm cho thấy tính cấp bách phải tái cơ cấu tài chính cho Công ty.

Hiện nay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Đạm Hà Bắc đang bám sát các kết luận của Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành để hoàn thiện Đề án tái cơ cấu. Phương án tái cơ cấu của Đạm Hà Bắc đặc biệt nhận được sự quan tâm của Chính phủ. Ngày 01/4/2022 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đến thăm và làm việc tại Công ty. Đặc biệt, ngày 13/8/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều bộ ngành đã trực tiếp thị sát, kiểm tra và làm việc với các bộ ngành tại nhà máy để xem xét quyết định những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Công ty. Cũng tại buổi làm việc ngày 13/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng thống nhất phương án tái cơ cấu Đạm Hà Bắc để phát triển ổn định.

Cần tái cơ cấu tài chính kịp thời

Đánh giá về sự “hồi sinh” của Đạm Hà Bắc trong thời gian qua, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cũng nhận định: có thể nói, Đạm Hà Bắc là một trong 12 dự án yếu kém ngành công thương đã có chuyển biến tích cực. Đây là cả một quá trình trong đó phải kể đến đầu tiên là nỗ lực của Đảng ủy tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng như Đảng ủy Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Coi đây là nhiệm vụ sống còn “tồn tại hay không tồn tại”.

Vấn đề đầu tiên là Đạm Hà Bắc đã thấy rõ đây là vấn đề của mình và tự mình cứu mình trước. Chúng tôi cho rằng Đạm Hà Bắc đã lựa chọn đúng con đường đi lên là phải sản xuất ra được hàng hóa và hàng hóa phải tiêu thụ được.

Vấn đề thứ hai là, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng như Đạm Hà Bắc đã có một sự chuẩn bị rất chu đáo và cặn kẽ, làm hết sức mình trong công tác tái cơ cấu.

Thứ ba là Đạm Hà Bắc đã làm tốt công tác dự báo, đón đúng thời điểm giá cả thị trường bắt đầu lên và bắt được nhịp rất nhanh. Đặt trường hợp nếu thị trường lên nhưng chúng ta không bắt được nhịp, không làm tốt đồng thời cả công tác quản trị, quản lý tài chính thì ko thể đem lại hiệu quả như con số hiện tại mà Đạm Hà Bắc đã đạt được

Về giải pháp giúp Đạm Hà Bắc phát triển lâu dài bền vững, Cục trưởng Đặng Quyết Tiến cho rằng: Hiện nay giải pháp quan trọng và cấp bách nhất là cơ cấu lại tài chính. Và bài toán cơ cấu phải được tính toán thật căn cơ. Cụ thể như trong các khoản vay hiện tại của Công ty, cần phân loại các khoản vay chi tiết để đưa ra phương án xử lý cụ thể đối với mỗi khoản vay khác nhau.

Thời gian tới, để giảm bớt lãi vay, Đạm Hà Bắc nên chú trọng trả bớt nợ gốc, có như vây mới giảm được lãi vay. Bên cạnh đó, về vấn đề lãi phạt, Thứ hai là lãi phạt, chúng ta pahỉ căn cứ vào quy định của pháp luật để xử lý

Trở lại câu chuyện tái cơ cấu, ông Đặng Quyết Tiến đề nghị: Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phải sớm xây dựng đề án tái cơ cấu tài chính cho Đạm Hà Bắc. Đề án này phải cụ thể đến từng con số để làm rõ: khi tái cơ cấu thì hiệu quả như thế nào, các ngân hàng chấp nhận được bao nhiêu… Cần phải làm càng sớm càng tốt

“Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đang “đợi” những đề xuất, phương án rất cụ thể của tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói chung cũng như Đạm Hà Bắc nói riêng để có thể chắp cánh thêm cho công tác tái cơ cấu có thể đạt mục tiêu bằng việc trình lên các cấp có thẩm quyền” – ông Đặng Quyết Tiến cho biết.

Ông Đặng Quyết tiến cũng cho rằng, Đạm Hà Bắc và 2 doanh nghiệp còn lại của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam là Đạm Ninh Bình và DAP số 2 phải “ngồi lại” với bên ngân hàng để xin giải pháp đến đâu, ở mức độ nào. Nếu vấn đề nào thuộc trách nhiệm của ngân hàng, phía ngân hàng sẽ đưa ra phương án xử lý sớm. Vấn đề nào vượt quá thẩm quyền như thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì phải đề xuất cụ thể một cách căn cơ, đầy đủ và và báo cáo với Ban Chỉ đạo xử lý yếu kém các dự án của ngành công thương. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo sẽ trình các cấp có thẩm quyền. Như chúng ta đã biết, Thủ tướng đã nói nếu cần thiết thì đưa nhóm 3 doanh nghiệp này để trình 1 gói riêng, gỡ khó riêng chứ không đợi các cơ chế chung cho cả nhóm 7 dự án còn lại.

Hy vọng rằng, với những cơ chế chính sách đặc biệt là phương án tái cơ cấu tài chính được giải quyết, Đạm Hà Bắc sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất kinh doanh có lãi và sớm ra khỏi Danh sách các dự án theo Đề án 1468.

Nguyễn Duyên