Hình ảnh: Dầu thô thế giới cắt đứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp số 1

Bảng giá năng lượng kết thúc tuần giao dịch 28/11-04/12.

Thời tiết khắc nghiệt đang làm trì hoãn kế hoạch xây dựng các nhà ga LNG đầu tiên của Đức và ảnh hưởng tới khả năng nhập khẩu của quốc gia này, gây áp lực lên giá khí. Công trình này dự kiến sẽ bổ sung công suất khoảng 20 tỷ mét khối LNG mỗi năm, tương đương hơn 40% lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu từ Nga.  

Đáng chú ý, dầu thô đã cắt đứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp trước đó, với dầu WTI kỳ hạn tháng 1 năm sau trên sở NYMEX tăng 4,85% lên 79,98 USD/thùng. Dầu Brent đóng cửa tại mức giá 85,57 USD/thùng, cao hơn 2,06% so với tuần trước. Kỳ vọng về kịch bản sớm mở cửa trở lại tại thị trường nhập khẩu dầu thô hàng đầu Trung Quốc, trong khi yếu tố nguồn cung không chắc chắn trước hàng loạt tác động khác nhau đã kéo giá dầu tăng trở lại trong tuần qua. 

Lực mua liên tục được thúc đẩy trong các phiên đầu tuần khi xuất hiện các nguồn tin cho rằng nhóm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có thể cắt giảm sản lượng trong cuộc họp cuối tuần do nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Tuy nhiên, với sự phục hồi của giá dầu ngay trong tuần, và những rủi ro trước thềm lệnh cấm dầu thô Nga bằng đường biển đi vào hiệu lực vào ngày 5/12, nhóm đã quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp vào ngày hôm qua 4/12.  

Một phần, đang ngày càng có nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào kịch bản Chính phủ Trung Quốc sẽ nới lỏng chính sách zero COVID-19 và sớm mở cửa trở lại sau những bất ổn xã hội hồi đầu tuần.

Trong khi đó, yếu tố nguồn cung hiện vẫn đang còn mang nhiều ẩn số. Vào cuối tuần qua, các quốc gia tại khu vực EU đã chính thức công bố mức trần giá áp dụng lên dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng, và được sự ủng hộ từ nhóm G7.

Theo dữ liệu từ Argus Media, mức trần giá hiện đang cao hơn mức 50 USD/thùng của loại dầu thô Urals hàng đầu của Nga hiện đang được giao dịch. Thị trường tỏ ra lạc quan với mức trần giá này khi tin rằng xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến và phần lớn dòng chảy dầu sẽ không thất thoát quá nhiều. Giá dầu cũng gặp sức ép bán nhẹ trong phiên cuối tuần trước kỳ vọng này.  

Hình ảnh: Dầu thô thế giới cắt đứt chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp số 2

Bảng giá kim loại kết thúc tuần giao dịch vừa qua.

Áp lực giảm bớt đối với giá hàng hoá thế giới

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), áp lực đối với thị trường nói chung đang được giảm bớt so với giai đoạn trước, khi mà Fed phát đi tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới. Đặc biệt, đây là thông tin tích cực hỗ trợ cho đà tăng của các mặt hàng thuộc nhóm kim loại và năng lượng vốn nhạy cảm với chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, về mặt cung cầu, các nhà đầu tư đang cho thấy tâm lý lạc quan vào sự mở cửa trở lại của Trung Quốc. Đây là một trong các nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá kim loại cơ bản như đồng, sắt thép, và giá dầu thô đồng loạt khởi sắc trong tuần qua.

Trong khi đó, nguồn cung vẫn còn gặp khá nhiều rủi ro, cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giá. Nhìn chung, thị trường đang được đánh giá sẽ có sự khởi sắc hơn trong tháng cuối năm nay và đầu năm sau.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/dau-tho-the-gioi-cat-dut-chuoi-giam-3-tuan-lien-tiep-102221205105305693.htm