Ảnh minh họa
Bộ Giao thông vận tải cho biết, nhằm thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và chủ động hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, một trong những nhiệm vụ đối ngoại trọng tâm của ngành giao thông vận tải và lĩnh vực vận tải đường bộ nói riêng là tăng cường kết nối vận tải đường bộ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực và trên thế giới, tạo cầu nối thúc đẩy hội nhập quốc tế về kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với các nước.

Từ năm 1994 đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 14 điều ước quốc tế (ĐƯQT) song phương, đa phương về vận tải đường bộ qua biên giới với các các nước láng giềng, khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, các nước GMS (tiểu vùng sông Mekong mở rộng) và ASEAN. Các ĐƯQT này đã tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vận tải của Việt Nam và các nước ký kết thực hiện hoạt động vận tải qua biên giới, theo đó không cần sang chuyển hành khách, hàng hóa sang phương tiện của nước sở tại, giảm bớt các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đi lại và vận chuyển, tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp vận tải, từ đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu hợp tác và tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để triển khai thực hiện các hiệp định và nghị định thư về vận tải đường bộ song phương với Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng như hiệp định, thỏa thuận hợp tác đa phương giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Việt Nam với các nước GMS, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành và bổ sung, sửa đổi các Thông tư hướng dẫn thực hiện các ĐƯQT này. Tuy nhiên, đến nay việc quy định các thủ tục hành chính trong Thông tư do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành đã không còn phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trong khuôn khổ hợp tác đường bộ ASEAN, theo lộ trình, các nước ASEAN sẽ thúc đẩy hiện thực hóa các Hiệp định khung về vận tải đường bộ trong giai đoạn 2021-2025. Do vậy, các nước thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong nước để hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các hiệp định này, trong đó cần quy định rõ về trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua biên giới giữa các nước ASEAN.

Ngoài ra, trong bối cảnh Việt Nam ký kết, gia nhập và thực hiện ngày càng nhiều các ĐƯQT về vận tải đường bộ, công tác quản lý vận tải đường bộ quốc tế cần được nâng cao, tăng tính đồng bộ và hiệu quả đồng thời tạo thuận lợi hơn nữa cho đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ quốc tế thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật, mở rộng hoạt động kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ. Dự thảo Nghị định cũng được xây dựng trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện cải cách, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm thời gian xử lý thủ tục hành chính, phân cấp phân quyền, giảm chi phí và tăng cường tính công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực trong cấp phép vận tải đường bộ quốc tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Với những lý do nêu trên, việc xây dựng Nghị định quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua biên giới là cần thiết.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, so với các quy định hiện hành, dự thảo Nghị định chỉ đề xuất bổ sung thêm quy định về trình tự thủ tục cấp phép theo quy định của các Hiệp định khung ASEAN về vận tải qua biên giới tại Chương II do hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể. Nội dung bổ sung về cơ bản bám sát quy định tại các Hiệp định khung ASEAN với thành phần hồ sơ, trình tự, thủ tục được đơn giản hóa tương tự như các thủ tục xin cấp phép tại các Thông tư về vận tải đường bộ qua biên giới đang có hiệu lực.

Trình tự cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN

Theo dự thảo, đơn vị kinh doanh vận tải nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN đến cơ quan cấp phép (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) theo một trong các hình thức sau: trực tiếp, trực tuyến, đường bưu điện.

Cơ quan cấp phép tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan cấp phép hoặc qua đường bưu điện, cán bộ tiếp nhận hồ sơ cập nhật thông tin của các hồ sơ đúng theo quy định vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, cơ quan cấp phép thông báo trực tiếp hoặc bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến cho đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan cấp phép thực hiện cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN theo mẫu quy định. Trường hợp không cấp, cơ quan cấp phép thông báo bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến và nêu rõ lý do.

Việc trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan cấp phép hoặc qua đường bưu điện hoặc các hình thức phù hợp khác theo quy định.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Theo http://baochinhphu.vn/Kinh-te/De-xuat-bo-sung-quy-dinh-ve-van-chuyen-duong-bo-qua-bien-gioi-giua-cac-nuoc-ASEAN/434697.vgp