Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg được áp dụng cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành dự toán chi thường xuyên NSNN.

Quyết định nêu rõ, việc xây dựng hệ thống định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN phải góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước; ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đặc biệt khó khăn, còn khó khăn, biên giới, hải đảo.

Việc phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2022, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm giai đoạn 2022-2024, kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025. Ưu tiên nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.

Đồng thời, phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN phải đảm bảo thúc đẩy từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, phấn đấu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên, góp phần cơ cấu phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN, sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế, thực hiện cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội của Đảng và Nhà nước, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Đối với khối các cơ quan Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; các bộ, cơ quan Trung ương khác phải đảm bảo tiêu chí: Căn cứ số biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao trên cơ sở vị trí việc làm và cơ cấu công chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của từng bộ, cơ quan Trung ương.

Ngoài dự toán chi thường xuyên được phân bổ theo số biên chế, các bộ, cơ quan Trung ương được phân bổ kinh phí để bảo đảm chi tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương theo quy định, kinh phí để bảo đảm nhiệm vụ đặc thù cụ thể của từng bộ, cơ quan Trung ương.

Theo đó, định mức phân bổ áp dụng định mức chung đối với khối các cơ quan Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ là 72 triệu đồng/biên chế.

Áp dụng định mức theo phương pháp lũy thoái đối với các bộ, cơ quan Trung ương còn lại (trừ các cơ quan Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quy định khác). Cụ thể, số biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao cho từng bộ, cơ quan Trung ương được chia thành các bậc khác nhau với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là 100 biên chế trở xuống. Định mức phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế, cụ thể như sau:

+ Từ 100 biên chế trở xuống: Định mức phân bổ 70 triệu đồng/biên chế.

+ Từ biên chế thứ 101 đến 500: Định mức phân bổ 65 triệu đồng/biên chế.

+ Từ biên chế thứ 501 đến 1.000: Định mức phân bổ 61 triệu đồng/biên chế.

+ Từ biên chế thứ 1.001 trở lên: Định mức phân bổ 57 triệu đồng/biên chế.

Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế quy định nêu trên đã bao gồm các khoản chi thường xuyên phục vụ hoạt động bộ máy các cơ quan: Khen thưởng theo chế độ, phúc lợi tập thể thông tin, tuyên truyền, liên lạc; công tác phí, hội nghị, tổng kết đoàn ra, đoàn vào, vật tư văn phòng, thanh toán dịch vụ công cộng, vận hành trụ sở cơ quan, chi hỗ trợ hoạt động cho công tác Đảng, đoàn thể trong cơ quan; chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động cho các đối tượng hợp đồng lao động làm công việc thừa hành phục vụ theo quy định...

Căn cứ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc để làm căn cứ tổ chức thực hiện, bảo đảm khớp đúng về tổng mức, phù hợp với đặc điểm thực tế và nguồn thu của từng đơn vị trực thuộc, thực hiện công khai, minh bạch và theo đúng các quy định của pháp luật; đồng thời gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo https://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/dinh-muc-phan-bo-du-toan-chi-thuong-xuyen-nsnn-nam-2022-cua-cac-bo-co-quan-trung-uong-340097.html