Tối đa hoá quy trình, nỗ lực hoàn thành mục tiêu

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán, đây là thời điểm các doanh nghiệp bước vào cao điểm sản xuất để bảo đảm đơn hàng, cũng như đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm của người dân.

Đơn cử như tại Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam, Khu công nghiệp Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), công nhân lao động cũng đã tăng ca sản xuất để kịp đơn hàng cuối năm. Kohsei Multipack Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư từ Nhật Bản, chuyên sản xuất kinh doanh bao bì chất dẻo linh hoạt PP, PE và các phụ kiện liên quan, xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và khoảng 10% tại thị trường Việt Nam.

Theo đại diện công ty, nhu cầu sử dụng bao bì của các đối tác cuối năm khá cao, vì thế, để vừa bảo đảm chất lượng, thời gian giao hàng, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất năm 2024, ngay từ đầu năm, công ty đã đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ mới; cải tiến chất lượng lao động, nâng cao năng suất, dự trù các nguyên liệu thô; thiết lập cơ cấu kinh doanh với đội ngũ công nhân lao động đến từ địa phương và hệ thống trang thiết bị tiên tiến nhằm đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng

Hay như Công ty TNHH MTV X20 Thanh Hóa chuyên sản xuất may mặc và trang thiết bị dệt đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm tối ưu hóa năng suất và đảm bảo tiến độ giao hàng. Để đẩy mạnh sản xuất cuối năm, công ty đã tổ chức lại quy trình làm việc, tăng cường thêm ca kíp, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng lao động vào các giai đoạn cao điểm. Công ty cũng đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất với công nghệ tự động hóa hiện đại, giúp tăng hiệu suất lao động và giảm thiểu tỷ lệ sai sót.

Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, Công ty TNHH MTV X20 dự kiến tiếp tục duy trì nhịp độ sản xuất cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025 và mở rộng kế hoạch sản xuất trong năm mới.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, tính chung 11 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhanh và trên diện rộng (tăng ở 60/63 địa phương) là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng khi Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%), là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm…

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã chủ động quy trình sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khá khả quan. Đây cũng là những tín hiệu tích cực, bước đệm quan trọng để tỉnh đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và những năm tiếp theo.

Nhiều giải pháp hỗ trợ giữ nhịp tăng trưởng

Các chuyên gia kinh tế cho rằng hiện nay, triển vọng kinh tế thế giới đang sáng hơn, sức cầu đã quay trở lại. Nhiều doanh nghiệp trong nước thời gian qua đã tận dụng được các chính sách hỗ trợ của Chính phủ để đầu tư công nghệ, tái cơ cấu doanh nghiệp. Do vậy, sản xuất đang dần được cải thiện, doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội, có thêm nhiều đơn hàng mới.

Bên cạnh việc tận dụng tối đa lực đẩy từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách tiền tệ, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, cho ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để duy trì hoạt động một cách bền vững.

Theo Bộ Công Thương, bộ đang tập trung những giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp; kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Bộ Công Thương cũng đưa ra kế hoạch, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp năm 2025. Theo đó, tập trung hoàn thiện thể chế phát triển công nghiệp, trong đó, chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của nhà nước với phát triển công nghiệp, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm tính ổn định, nhất quán, khuyến khích phát triển sản xuất.

Nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt. Xây dựng cơ chế và lộ trình phát triển số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp hỗ trợ. Có cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam có cơ hội giao lưu, kết nối doanh nghiệp cũng như tăng cường xúc tiến, thu hút, tìm kiếm đối tác đầu tư từ nước ngoài.

Về phía Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bộ Công Thương cũng tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển công nghiệp; rà soát, cải cách cơ chế chính sách, quy hoạch phát triển công nghiệp; điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ. Đặc biệt là tăng cường liên kết giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp, hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp theo lợi thế của các địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh việc kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam, cũng như tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…

Theo Báo Công Thương
Theo https://tapchitaichinh.vn/doanh-nghiep-cong-nghiep-vao-guong-san-xuat-don-song-cuoi-nam.html