Sở Công Thương TP.HCM vừa có báo cáo về công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Công Thương thành phố, hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính gồm: các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30% - 40% thị phần; các chợ đầu mối (mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần; các doanh nghiệp khác chiếm 10% - 20% thị phần.

Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết là 19.670 tỷ đồng, tăng hơn 650 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020. Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4% - 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 12% - 21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Bên cạnh đó, trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, lượng hàng bình ổn thị trường sẽ được tăng cường, đảm bảo từ 35% đến 50% nhu cầu thị trường.

các doanh nghiệp tại TP.HCM không chỉ tập trung cho sản xuất mà còn đẩy mạnh việc phát triển điểm bán, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường.

Các doanh nghiệp tại TP.HCM không chỉ tập trung cho sản xuất mà còn đẩy mạnh việc phát triển điểm bán, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhằm ổn định thị trường.

Sở Công Thương thành phố cũng cho hay, để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng từ nay đến Tết Tân Sửu 2021, Sở Công Thương phối hợp sở - ngành có liên quan, UBND các quận - huyện để triển khai giải pháp thực hiện cụ thể như nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cung ứng cân đối cung cầu hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, chấp hành quy định về điểm bán; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng lậu, sản xuất hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Đồng thời, tăng cường bán hàng lưu động, thực hiện 350 chuyến trong 2 tháng cao điểm trước Tết, bổ sung kế hoạch thực hiện khi có đề nghị của các quận huyện hoặc khi có khan hiếm cục bộ. Tăng cường thực hiện tại các quận ven - huyện ngoại thành, khu chế xuất - khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, các công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện để phục vụ người lao động có thu nhập thấp, không có điều kiện về quê ăn Tết.

Mặt khác, phối hợp Sở Giao thông Vận tải giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 cho xe tải doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa Tết, Sở Công Thương vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng.

Để tận dụng tốt nhất các điểm phân phối sẵn có, thời gian qua thành phố đã tiến hành rà soát quầy sạp tại các chợ truyền thống giao cho doanh nghiệp sản xuất chủ lực như Ba Huân, Vissan, Saigon Co.op… đưa hàng bình ổn vào các chợ. Những điểm này không chỉ bán các mặt hàng bình ổn, mà còn là điểm đối chiếu giá cả sản phẩm cùng loại, nơi giao hàng sỉ cho các điểm bán lân cận nhằm tạo sức lan tỏa chung về mặt bằng giá cả, tránh tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ trên thị trường.

Dịp Tết năm nay, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) chuẩn bị hàng hóa tương ứng hơn 4.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 40% nguồn vốn dành cho 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản; 60% còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm và phi thực phẩm khác.

Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị 3.500 tấn thịt lợn an toàn, giá thấp hơn thị trường. Ngoài ra, còn chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thịt bò, thịt gà, thịt vịt, thủy hải sản và luân phiên giảm giá để người tiêu dùng có thêm lựa chọn.

Hiện Saigon Co.op đang đồng loạt giảm giá hàng tết sớm để giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực mua sắm về những ngày cuối năm, những ngày cận tết chỉ cần mua các loại thực phẩm tươi sống hoặc đặt mua các món chế biến sẵn ở siêu thị, tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Hệ thống sẽ thực hiện chuỗi chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hàng ngàn sản phẩm tết và 10 ngày cận tết có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa nhằm kích cầu tiêu dùng.

Ông Nguyễn Phúc Khoa - Phó Tổng giám đốc, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, năm nay Satra tập trung chuẩn bị tốt đối với các nhóm mặt hàng chủ lực như gạo, thực phẩm chế biến, thịt gia súc… để bình ổn thị trường trong tháng Tết là hơn 2.421 tấn, tăng 63% so tháng thường và tăng 43% so với kế hoạch thành phố giao.

Về thời gian hoạt động ông Khoa cho hay, năm nay siêu thị, trung tâm thương mại thuộc Satra sẽ tăng thời gian phục vụ từ 3-4 giờ so với ngày thường. Ngày 25 tháng Chạp Âm lịch mở cửa từ 7 giờ sáng đến 23 giờ, từ 26 đến 29 tháng Chạp mở cửa từ 6 giờ sáng đến 24 giờ. Riêng ngày 30 mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa.

Tương tự, ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản VISSAN cho biết, doanh nghiệp này đang sản xuất, kinh doanh theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Điển hình, ở nhóm thực phẩm chế biến có thể bảo quản lâu như sản phẩm đóng hộp, đông lạnh, lạp xưởng, xúc xích, chà bông... đã sản xuất nguồn hàng dự trữ và lưu kho. Riêng mặt hàng tươi sống, sơ chế như thịt tẩm ướp, chả giò, giò lụa, thịt kho tàu... cũng được sản xuất theo tiến độ.

VISSAN dự kiến tổng lượng hàng hóa thực phẩm chế biến khoảng 5.200 tấn và thực phẩm tươi sống 2.300 tấn để phục vụ Tết; đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá ổn định.

Công ty CP Sài Gòn Food vừa công bố tăng vị mới cho các dòng sản phẩm chủ lực sẵn có nhằm phục vụ nhu cầu mới trong điều kiện bình thường mới, đó là chăm sóc sức khỏe và tiết kiệm chi phí. Tất cả sản phẩm của thương hiệu này phục vụ mùa Tết đều mang thông điệp "chế biến siêu nhanh - thưởng thức siêu ngon".

Theo đó, Sài Gòn Food cải tiến hai dòng sản phẩm Tết truyền thống là Lẩu Tết và Bánh Chưng. Đồng thời, đa dạng hóa dòng sản phẩm chủ lực, phát triển vị mới trên nền tảng nguồn lực sẵn có. Bữa ăn tươi của Sài Gòn FOOD có 13 vị cơm, mì, bún khác nhau; còn nước dùng cô đặc có 7 vị khác nhau với 4 vị mới là nấm, kim chi, riêu cua, bún bò.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food cho hay, dù là ngày Tết hay ngày thường, người tiêu dùng đều cần những bữa ăn hàng ngày đầy đủ dưỡng chất để chăm sóc bản thân và gia đình ngay tại nhà, tiết kiệm thời gian để có thể vui chơi thoải mái cùng người thân, bạn bè.

Hiện Sài Gòn Food đã sẵn sàng hơn 2.700 tấn thành phẩm cho mùa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự báo tăng trưởng hơn 30% so với các tháng bình thường và tăng 25% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đồng thời, cam kết không tăng giá và thực hiện khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm trên kênh bán hàng online giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng...

Đức Linh
Theo https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/tieu-dung/doanh-nghiep-tp-hcm-cam-ket-khong-tang-gia-dip-tet-tan-suu-2021/20201230044131045