Indonesia đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên gia nhập khối BRICS với tư cách là thành viên chính thức. Trước đó, cùng với các đối tác của mình trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là Malaysia, Thái Lan, Indonesia đã trở thành "quốc gia đối tác" của BRICS vào tháng 10 năm ngoái.
Đối với BRICS, việc bổ sung các quốc gia Đông Nam Á là rất quan trọng, bởi vì khu vực này có trữ lượng lớn các khoáng sản và tài nguyên quan trọng. Indonesia là quốc gia sản xuất niken lớn nhất thế giới và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng pin xe điện.
Trong khi đó, Malaysia là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên và sản xuất thiếc lớn. Thái Lan là một trong những nhà sản xuất kim loại đất hiếm lớn nhất thế giới. Việc tham gia của các quốc gia này sẽ củng cố sức mạnh ngày càng tăng của BRICS.
Cùng với các quốc gia đối tác của mình, BRICS có thể nắm giữ ảnh hưởng đáng kể đến việc sản xuất và cung cấp các mặt hàng thiết yếu từ dầu khí đến khoáng sản và các sản phẩm nông nghiệp.
Khi các quốc gia phương Tây định hướng lại chuỗi cung ứng do những lo ngại về an ninh quốc gia, các nước thuộc khu vực Nam Bán cầu đang tăng cường hợp tác để điều chỉnh các chính sách của họ và xây dựng chuỗi cung ứng riêng với các khoáng sản quan trọng cùng các công nghệ và ngành công nghiệp liên quan.
Quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đang thúc đẩy nhu cầu về các khoáng sản quan trọng. Tại hội nghị thượng đỉnh tại Kazan vào tháng 10 năm ngoái, các thành viên BRICS đã cam kết thúc đẩy lợi ích chung của họ trên khắp các chuỗi giá trị sản xuất khoáng sản, yếu tố quan trọng để sản xuất các sản phẩm công nghệ sạch như tấm pin mặt trời và xe điện.
Việc gia nhập BRICS cho phép các quốc gia này phối hợp các chính sách của họ và xây dựng sự đồng thuận chung để củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng, trong khi chống lại áp lực từ phương Tây trong việc áp dụng các chiến lược có thể xung đột với lợi ích quốc gia hoặc khu vực của họ.
Sức hấp dẫn của BRICS nằm ở việc mỗi thành viên đều có vị thế ngang nhau và về lý thuyết có thể thúc đẩy lập trường kinh tế hoặc chính sách an ninh độc lập của mình về các mối quan tâm chung mà không bị ảnh hưởng bởi một cường quốc lớn hơn.
Quy trình ra quyết định dựa trên sự đồng thuận của BRICS có nghĩa là tất cả các thành viên phải đồng ý về các vấn đề quan trọng, ngăn chặn bất kỳ cường quốc nào áp đặt quyết định.
Trên thực tế, theo ông Riaz Khokhar, ứng viên của chương trình Thạc sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Gothenburg, BRICS cung cấp một nền tảng cho các quốc gia thúc đẩy lập trường của họ chống lại các chính sách của phương Tây đe dọa đến an ninh khu vực và sự ổn định kinh tế. Do đó, việc có các thành viên trong BRICS sẽ củng cố tiếng nói của ASEAN.
Số lượng thành viên ngày càng tăng của BRICS cũng cho thấy sức hút ngày càng tăng đối với các ý tưởng kinh tế của khối này. BRICS tuyên bố ủng hộ tham vọng của Ngân hàng Phát triển Mới trong việc mở rộng tài trợ bằng đồng nội tệ và tăng cường đổi mới các công cụ đầu tư và tài chính.
BRICS cũng đang tạo ra một khung tham vấn không chính thức về các vấn đề của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một bước tiến quan trọng hướng tới việc tham gia tích cực hơn trong thúc đẩy cải cách WTO.
Đối với Đông Nam Á dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, sự ủng hộ của BRICS đối với quỹ bồi thường thiệt hại, lần đầu được đồng thuận tại hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP27, cũng có ý nghĩa quan trọng.