Chưa gắn kết

KTTH và KTS là dạng thức và mô hình hoạt động phát triển mới, là xu hướng phát triển hiện đại mang tính chất chiến lược của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong xu hướng này kinh tế tuần hoàn sẽ dần được số hóa, trở thành kinh tế tuần hoàn số.
Hình ảnh: Giải bài toán lệch nhịp giữa kinh tế tuần hoàn và kinh tế số số 1
Kinh tế tuần hoàn sẽ dần được số hóa, trở thành kinh tế tuần hoàn số.
Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, định hướng và quyết sách phát triển KTTH và KTS như là trọng tâm phát triển đất nước theo hướng bền vững và xanh.

PGS.TS Nguyễn Danh Sơn nhận định, cũng như các lĩnh vực kinh tế truyền thống khác, KTTH khi được số hóa sẽ được hỗ trợ đắc lực bởi công nghệ số, trở thành cách thức mới để phát triển bền vững, xanh cả về quy mô, mức độ và tốc độ.

Tuy vậy, trên thực tế, các mô hình KTTH và KTS vẫn còn đang được tạo lập, phát triển một cách tách rời nhau, "lệch nhịp" nhau, chưa thực sự gắn kết với nhau. Xu hướng số hóa các hoạt động phát triển đang diễn ra mạnh mẽ và sức hấp dẫn lớn về kinh tế của cả 2 mô hình KTTH và KTS sẽ làm cho 2 loại mô hình này ngày càng gắn kết với nhau, hỗ trợ đắc lực cho nhau như là tất yếu khách quan. Sự gắn kết KTTH và KTS có thể được hiểu là thực hiện KTTH trong môi trường số, làm cho KTTH trở thành bộ phận hữu cơ của KTS.

Trong bối cảnh phát triển của nước ta sự gắn kết này là bước đi ban đầu, cần thiết tất yếu trong quá trình tiến tới KTTH số.

Cơ hội, thách thức

Theo PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, cả 2 mô hình này đều có cả những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức trong phát triển bản thân mỗi mô hình và trong gắn kết các mô hình này với nhau.

Cơ hội và thuận lợi lớn nhất là cả hai mô hình KTTH và KTS đang là xu hướng, trào lưu phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới nên các quốc gia có thể học hỏi, hỗ trợ, thậm chí phối hợp với nhau. Việt Nam đã có nền tảng, cơ sở pháp lý ban đầu cho phát triển các mô hình KTTH và KTS. Các quy định pháp lý về KTTH và KTS đều dựa trên quan điểm chỉ đạo chung là đặt các hoạt động phát triển trên nền tảng số hóa.

Ngoài ra, sức hấp dẫn về kinh tế và các lợi ích khác từ 2 phía KTTH và KTS thu hút sự quan tâm và nhận thức của các bên liên quan, nhất là các doanh nghiệp, đối với cả 2 mô hình này cũng tạo nên thuận lợi, cơ hội tốt cho gắn kết KTTH và KTS.
Hình ảnh: Giải bài toán lệch nhịp giữa kinh tế tuần hoàn và kinh tế số số 2
Việc khắc phục sự "lệch nhịp" thông qua gắn kết KTTH và KTS với nhau là bước đi cần thiết.
Bên cạnh thuận lợi, cơ hội cũng có không ít các vấn đề đặt ra đối với gắn kết phát triển KTTH và KTS ở nước ta. Đó là nhận thức về KTTH và KTS còn chưa đầy đủ và do vậy hành động gắn kết còn chưa mạnh mẽ và bài bản.

Một nghiên cứu công bố năm 2021 về nhận thức của doanh nghiệp vừa và nhỏ về KTTH cho thấy nhận thức chỉ ở mức trung bình (3,57/5 điểm).

Đáng chú ý là nghiên cứu này cho biết tỷ lệ ý kiến doanh nghiệp bày tỏ thái độ trung lập (không đồng tình cũng không phản đối) áp dụng mô hình KTTH là khá cao về các hiệu quả mà KTTH mang lại cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp được khảo sát đều hiểu những thách thức gây ra bởi sự khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới doanh thu và tăng trưởng kinh doanh của mình. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào trong số này nói rằng họ có những kế hoạch để nâng cao nhận thức và áp dụng thực hành sản xuất thân thiện với môi trường hay những dự án liên quan đến việc quản lý môi trường hoặc phúc lợi xã hội trong công ty của mình.

Điều này giải thích tại sao các công ty này vẫn chưa có những kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện các giải pháp kinh tế tuần hoàn, hướng tới xây dựng một doanh nghiệp bền vững trong dài hạn.

Cũng đã có khá nhiều nghiên cứu và nhận định của các cơ quan quản lý nhà nước hữu quan cho thấy bức tranh nhận thức về KTS ở nước ta cũng không khá hơn, thậm chí còn kém hơn so với nhận thức về KTTH, bởi lẽ không chỉ sự mới mẻ hơn mà còn cả chi phí đầu tư tốn kém hơn, nhất là doanh nghiệp nước ta đa số (96%) có quy mô vừa và nhỏ.

Thách thức tiếp theo là còn thiếu hệ sinh thái phù hợp cho gắn kết phát triển KTTH và KTS, bao gồm: chính sách, các nguồn lực, thị trường, văn hóa, và các hỗ trợ.

Trong khi đó, Việt Nam chưa xây dựng được nền tảng số cho KTTH. Hệ thống quản lý phát triển nói chung, phát triển KTTH và KTS nói riêng còn nặng về kiểu thứ bậc mà chưa phải là theo kiểu mạng lưới để phù hợp với tính chất mở và kết nối hoạt động của cả KTTH và KTS.

Tạo hệ sinh thái phù hợp

Từ thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn khuyến nghị, cần tăng cường nhận thức về KTTH số cùng với KTS, nhất là đối với doanh nghiệp. Tạo dựng hệ sinh thái phù hợp cho gắn kết phát triển KTTH và KTS. Dưới góc độ quản lý phát triển, các điều kiện này có thể được xem xét theo trách nhiệm chính của các chủ thể gồm Nhà nước, doanh nghiệp và hỗn hợp Nhà nước - doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước có trách nhiệm chính về chính sách và thể chế. Doanh nghiệp có trách nhiệm chính về đảm bảo nguồn lực. Nhà nước, doanh nghiệp cùng có trách nhiệm đối với thị trường số, văn hóa số và các hỗ trợ.

Cùng với việc phát triển công nghiệp môi trường dựa trên nền tảng số, phải kết nối xây dựng nền tảng số KTS và KTTH. Trên cơ sở chủ trương và định hướng chung về chuyển đổi số quốc gia, cần thiết bổ sung nội dung về chuyển đổi số ngành công nghiệp môi trường, trong đó xây dựng nền tảng số là trọng tâm cốt lõi sao cho có thể sớm kết nối và hội nhập với nền tảng số ngành công nghiệp cũng như của quốc gia.
Thu An
Nguồn tin: https://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/kinh-te-so/giai-bai-toan-lech-nhip-giua-kinh-te-tuan-hoan-va-kinh-te-so/20220920042515851