Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống hiện nay cải thiện so với cùng kỳ năm trước, đến ngày 17/9/2024 đạt mức tăng 7,38% so với cuối năm 2023 (cùng kỳ đạt 5,73%). Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tăng 8,48%, chiếm 45% thị phần, tăng cao nhất toàn hệ thống.
Doanh nghiệp chưa mạnh dạn vay
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, ngay từ đầu năm, NHNN đã giao hết chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng thương mại (NHTM). Đồng thời, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đối với khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm mạnh, đến tháng 8/2024 giảm hơn 1%/năm so với cuối năm 2023.
Trong đó, lãi suất cho vay tại khối ngân hàng tư nhân giảm khoảng 0,96%, hiện ở mức 9,17%, cao hơn toàn hệ thống và nhóm NHTM nhà nước.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc, áp lực đối với tín dụng ngân hàng tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Đặc biệt, thị trường bất động sản (BĐS) chưa hồi phục và ổn định, sự khó khăn của thị trường BĐS còn ảnh hưởng tới nhiều ngành vệ tinh cũng như cầu tiêu dùng về nhà ở.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp trên thị trường quốc tế, lãi suất còn ở mức cao tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, tình hình thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, dẫn đến hoạt động của các NHTM cũng khó khăn.
Ở góc độ NHTM, lý giải nguyên nhân tín dụng chưa như kỳ vọng, Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn khá thấp do tình hình xuất khẩu, tiêu dùng nội địa chưa hồi phục. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, thận trọng với rủi ro nên chưa mạnh dạn sử dụng vốn vay.
Đồng thời, đại diện Sacombank đánh giá thu nhập của người mua BĐS giảm, trong khi nguồn cung phục vụ nhu cầu để ở với giá hợp lý chưa đáp ứng được. Các công ty, dự án BĐS còn khó khăn khi pháp lý chưa hoàn thiện, năng lực tài chính suy giảm nghiêm trọng.
Ngoài ra, thu nhập của người dân giảm sút do kinh tế khó khăn, bùng phát các loại hình cho vay qua ứng dụng với điều kiện nới lỏng, không cần tài sản thế chấp cũng khiến tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng tăng chậm.
Trong khi đó, nhìn lại tốc độ tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 6%, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ nhận xét, mức tăng này còn khá xa so với mục tiêu 15% cho cả năm 2024. Tuy nhiên cũng đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực gia tăng nhu cầu tín dụng, nên Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp cấp tín dụng ra thị trường. Theo đó, từ tháng 7 đến nay, tín dụng đã có sự khởi sắc hơn.
VIB đã tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên. Mặc dù giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi.
"Hiến kế" khơi thông dòng vốn
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các NHTM cổ phần được tổ chức mới đây, nhiều nhà băng đã hiến kế nhiều giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng cho người dân như triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS...
Ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank đề nghị NHNN xem xét, giao thêm chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng có năng lực. Trong đó, HDBank đề xuất tái triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng hỗ trợ đời sống công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tương tự gói 20.000 tỷ đồng triển khai trong năm 2023.
Song song với đó là việc thúc đẩy cơ cấu các NHTM gắn với xử lý nợ xấu, tạo điều kiện để các ngân hàng này sớm hoàn thành tái cấu trúc góp phần nâng cao tính ổn định hệ thống NHTM.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đại diện Sacombank cho rằng ngành ngân hàng cần tiếp tục giảm chi phí vốn, mặt bằng lãi suất cho vay, tinh gọn quy trình, thủ tục trong cấp phát tín dụng. Đồng thời, ngân hàng cần tăng các gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực, ngành nghề để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng dư nợ.
Cũng theo các ngân hàng, hiện nay, ngành ngân hàng ngày càng có tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng. Do đó, các ngân hàng mong muốn Chính phủ có các giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS.
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết tài sản bảo đảm cho các khoản dư nợ tín dụng hiện nay là nhà đất, căn hộ chiếm tỷ lệ trọng yếu trong tổng số tài sản bảo đảm. Vì vậy, sự phục hồi của thị trường BĐS không những tác động tích cực tới nền kinh tế, mà còn giúp các ngân hàng tăng cường cho vay, xử lý được nợ xấu.
"Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp để thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững. Từ đó, ngân hàng có thể gia tăng tín dụng an toàn", đại diện VIB đề xuất.
Về phía NHNN, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay, để tăng khả năng hấp thụ tín dụng, ngoài các giải pháp từ phía ngành ngân hàng, các chính sách tổng thể từ các bộ ngành, địa phương cũng cần được thực hiện. Cụ thể, các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giảm thuế, phí sẽ hỗ trợ trực tiếp cho cầu tiêu dùng, giúp tăng sức mua nền kinh tế. Đặc biệt, cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai để giảm nguy cơ nợ xấu cho ngân hàng.
Đồng thời, Phó Thống đốc đề nghị các cơ quan nhà nước tăng giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn FDI chất lượng cao, gỡ khó cho thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, BĐS. "Cần nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp từ cả phía doanh nghiệp, cũng như các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các quỹ bảo lãnh, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa", Phó Thống đốc nói.