Mới đây, Ban Quản lý dự án 4 có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị cho phép hủy thầu và xử lý nhà thầu vi phạm trong đấu thầu gói thầu số 5 Tư vấn giám sát thi công xây dựng, công trình sửa chữa cầu Roòn Km606+418 QL1 địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Đơn vị này cho hay, gói thầu số 5 được bên mời thầu phát hành hồ sơ mới thầu ngày 1/4/2023. Đến ngày 12/4/2023, Ban Quản lý dự án 4 đã tiến hành mở thầu gói thầu số 5 trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo kết quả mở thầu, có 1 nhà thầu tham gia là Trung tâm kỹ thuật đường bộ 2 - đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam).

Hình ảnh: Gian lận trong đấu thầu có thể bị phạt tới 20 năm tù số 1

Cầu Roòn ở tỉnh Quảng Bình được sửa chữa, cải tạo (Ảnh: anninhthudo.vn)

Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, Ban QLDA 4 đã đề nghị nhà thầu làm rõ về các hợp đồng tương tự do nhà thầu thực hiện. Ngày 26/4/2023, nhà thầu có văn bản trả lời làm rõ theo yêu cầu của bên mời thầu. Trên cơ sở văn bản trả lời của nhà thầu, tổ chuyên gia đánh giá nhà thầu không có hợp đồng tương tự đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Về nhân sự bố trí cho gói thầu: Tại hồ sơ đề xuất kỹ thuật, nhà thầu kê khai bố trí ông Trần Quang Thái giữ chức danh tư vấn giám sát vật liệu, chất lượng. Tài liệu chứng minh kèm theo, ông Thái đã làm tư vấn giám sát vật liệu, chất lượng Gói thầu số 03: Tư vấn giám sát thi công xây dựng, công trình sửa chữa cầu Dài 2 Km778+936, QL1, tỉnh Quảng Trị. Công trình này do Ban QLDA 4 làm đại diện chủ đầu tư.

Qua kiểm tra, đối chiếu tài liệu liên quan, Ban QLDA 4 xác định ông Trần Quang Thái không tham gia thực hiện Gói thầu số 03 như tài liệu mà nhà thầu đã kê khai.

Bên mời thầu nhận thấy nội dung kê khai tại hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Trung tâm kỹ thuật đường bộ 2 là không trung thực, có sai khác cơ bản so với thực tế và bị coi là hành vi gian lận trong đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu.

Từ đây, Ban QLDA 4 kiến nghị Cục Đường bộ xử lý nhà thầu Trung tâm kỹ thuật đường bộ 2 bằng hình thức: Cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu Tư vấn giám sát thi công xây dựng trong phạm vi tất cả các dự án do Ban QLDA 4 được giao quản lý. Thời gian cấm là 3 năm.

Đồng thời cho phép phát hành lại hồ sơ mời thầu đã được Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt để lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.

Về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết theo quy định tại Khoản 12 Điều 4 Luật Đấu thầu 43/2013/QH13 (ngày 26 tháng 11 năm 2013): Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. 

Khoản 4 Điều 89 Chương XI Luật Đấu thầu quy định gian lận bao gồm các hành vi sau đây:

a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Về trình tự xử lý vi phạm, theo quy định tại Điều 90 Chương XI Luật Đấu thầu, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh việc bị xử lý như trên, các tổ chức, cá nhân gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu.

“Tùy tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”, luật sư Tuấn phân tích.

Thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu được quy định như sau:

a) Người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình đối với những trường hợp do người có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước đối với những trường hợp do người có thẩm quyền đề nghị theo quy định tại Điểm a Khoản này.

Ngoài ra, quyết định xử lý vi phạm phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp; phải được đăng tải trên Báo đấu thầu, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. 

Theo Điều 222 Mục 3 Chương XVIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với các hành vi vi phạm về hoạt động đấu thầu, có những mức phạt như sau:

Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép.

Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Hiện nay, Luật Đấu thầu chỉ điều chỉnh hoạt động đấu thầu các dự án đầu tư có nguồn vốn nhà nước, các dự án đầu tư theo hợp đồng đối tác công tư (PPP), các dự án đầu tư có sử dụng đất. Còn các hoạt động đấu thầu các dự án khác thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Từ ngày 01/6/2023, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (e-GP) chính thức triển khai việc cung cấp, đăng tải thông tin đối với dự án phải đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa theo quy định tại Thông tư 10/2022/TT-BKHĐT.

“Do đó, các hành vi sai phạm trong đấu thầu các dự án loại này, tùy vào mức độ thiệt hại mà xem xét ở các hành vi phạm tội khác, không cấu thành tội vi phạm các quy định về đấu thầu”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

Nguồn: dangcongsan.vn