Góp ý để chính sách thuế hỗ trợ DN phục hồi sớm đi vào cuộc sống - Ảnh 1.

Các Nghị định mới về thuế dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dự kiến ban hành nhằm tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2022 và thời gian tiếp theo

Theo các chuyên gia, gần 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN).

Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng DN, doanh nhân đang đối mặt, tiếp tục đồng hành và thực hiện các giải pháp trong điều kiện cao nhất có thể để hỗ trợ DN, người lao động, phấn đấu đưa cả nước sớm trở lại trạng thái bình thường mới. 

Trước đó, Chính phủ đã ban hành các Nghị định về thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2020 và 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước trong năm 2020. Đến nay, Chính phủ tiếp tục ban hành một loạt chính sách về thuế nhằm hỗ trợ nền kinh tế nói chung

Các nghị định mới về thuế dành cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dự kiến ban hành nhằm tiếp tục khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2022 và thời gian tiếp theo.

Dự kiến văn bản sẽ tác động tới hoạt động liên quan đến thuế của các DN trong hầu hết tất cả các ngành nghề sản xuất, đầu tư kinh doanh.

Góp ý Nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong năm 2022, luật sư Nguyễn Văn Bình cho rằng nên mở rộng đối tượng áp dụng, xét theo khía cạnh lĩnh vực cũng như quy mô DN.

TIN LIÊN QUAN
  • Hoàn thiện, tuyên truyền chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp

    Hoàn thiện, tuyên truyền chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp

  • Hỗ trợ DN: Chính sách thuế - hải quan cần đi trước một bước

    Hỗ trợ DN: Chính sách thuế - hải quan cần đi trước một bước

  • Xây dựng chính sách thuế phù hợp với tình hình dịch bệnh

    Xây dựng chính sách thuế phù hợp với tình hình dịch bệnh

Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định về đối tượng áp dụng chỉ trên 2 lĩnh vực: Sản xuất và kinh doanh – "DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất - kinh doanh trong một số ngành kinh tế". 

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, các hoạt động dịch vụ hỗ trợ là một hoạt động không thể thiếu của hoạt động sản xuất và kinh doanh. Đây cũng là lĩnh vực chịu sự tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch, do đó, rất cần hỗ trợ bình đẳng như các lĩnh vực khác. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ diện rộng chưa được dự thảo đề cập tới. Trong dự thảo chỉ đề cập hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp các loại thuế cho "Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng".

Về quy mô, luật sư Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần bổ sung sự hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế cho loại hình DN vừa. Bởi lẽ các DN vừa ở Việt Nam đóng một vai trò quan trọng cơ cấu DN trong nước.

Có cùng quan điểm, bà Trần Thị Thanh Thư, đại diện cho Công ty Luật TNHH BLawyers Vietnam cho rằng, trên thực tế, có những DN chỉ có số lao động nhỉnh hơn một vài người theo quy định nhưng lại đang chịu ảnh hưởng nặng nề, kinh doanh đình trệ, giảm sút vì đại dịch COVID-19 và doanh thu ở mức báo động, thì lại không được áp dụng nghị định để xin gia hạn thuế. 

Vì vậy, nên điều chỉnh lại đối tượng tại khoản 4 Điều 3 theo hướng chỉ tập trung vào những chỉ tiêu thể hiện DN đang gặp khó khăn như: Đưa ra mức doanh thu hoặc lợi nhuận cụ thể (ví dụ 1-2 tỷ đồng); hoặc mức giảm hay tỉ lệ giảm doanh thu so với trung bình doanh thu trong 3 năm trước khi diễn ra dịch COVID-19 từ 2015-2018 để nâng cao tính áp dụng thực tiễn và nhằm hỗ trợ những DN thật sự đang gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19 cũng như để phục hồi nền kinh tế.

Về thời gia hạn nộp thuế GTGT, bà Trần Thị Thanh Thư cũng cho rằng chưa thật sự hợp lý. Vì việc việc gia hạn cộng dồn dễ dẫn đến tình trạng các đối tượng nếu áp dụng hết thời hạn gia hạn thì có khả năng phải nộp một lần cho tổng số thuế của tất cả các kỳ vào thời điểm cuối cùng được áp dụng theo Nghị định, nếu dịch vẫn "căng" thì không thực sự đáp ứng hiệu quả về mặt hỗ trợ kinh tế.  Do đó, nên điều chỉnh theo hướng thời hạn gia hạn với số thuế nộp mỗi tháng là x tháng và số thuế nộp mỗi quý là x tháng (ví dụ: Thời hạn gia hạn với số thuế nộp mỗi tháng là 3 tháng và số thuế nộp mỗi quý là 4 tháng).

Về việc quy định cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước, bà Trần Thị Thanh Thư phân tích: Điều này chưa thật sự phù hợp. Không phải bất cứ người nộp thuế nào cũng am hiểu tường tận pháp luật, nhất là đối với cá nhân. Họ cần được biết quyền lợi của họ trong việc gia hạn nộp thuế này. Nếu vì không được chấp nhận Giấy đề nghị nộp sau cùng cho tất cả các kỳ phát sinh trước thì người nộp thuế còn phải chịu thêm khoản tiền phạt chậm nộp. Các đối tượng gia hạn cần được biết họ có được chấp nhận gia hạn hay không để thực hiện nghĩa vụ của mình đúng quy định…

"Cơ quan thuế phải thông báo bằng văn bản trực tiếp hoặc thông qua cổng thông tin điện tử cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước của người nộp thuế", bà Trần Thị Thanh Thư gói ý.

Anh Minh


Theo https://baochinhphu.vn/gop-y-chinh-sach-thue-ho-tro-doanh-nghiep-phuc-hoi-102220328185314921.htm