Sáng 26/10, hơn 100 điểm cầu của 15 Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề trong nước và các doanh nghiệp thành viên đã tham gia Hội nghị trực tuyến đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua COVID-19 do Tổng cục Hải quan tổ chức.

Nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội nghị, đại diện Ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Hải quan) đã thông tin đến cộng đồng doanh nghiệp những kết quả hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Đến nay, cơ quan Hải quan đã thực hiện miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch là: 7,91 tỷ đồng.

Miễn thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất máy thở và áo choàng y tế với số tiền là: 7,02 tỷ đồng. Không thu thuế GTGT đối với lô hàng 2.000 máy thở và 170.600 áo choàng y tế, với số tiền là 20,19 tỷ đồng.

3 quý đầu năm 2021, trước khó khăn do dịch bệnh COVID-19, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách tạo thuận lợi thương mại, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết vướng mắc trong quá trình nhập khẩu hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 cho phép áp dụng thủ tục hải quan đối với hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp để thông quan nhanh đối với hàng hóa viện trợ, biếu, tặng để phục vụ công tác phòng chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.

Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực theo quy định của các bộ, cơ quan để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá, thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.

Đồng thời, hướng dẫn các cục, chi cục hải quan địa phương bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thông quan liên tục, kịp thời, an toàn trong giai đoạn thực hiện các biện pháp phòng dịch.

Bên cạnh đó, tham mưu trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106 về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trong đó quy định đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, không chịu thuế giá trị gia tăng.

Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều hoạt động (như hội nghị, trao đổi, tọa đàm theo hình thức trực tuyến) để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện một số giải pháp, phương án nhằm giải quyết thủ tục thông quan hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi song vẫn đảm bảo công tác quản lý nhà nước về Hải quan, chống buôn lậu gian lận thương mại và phòng chống dịch bệnh.

Nhiều giải pháp cụ thể

Cũng tại hội nghị, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cùng các cục hải quan TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương đã chia sẻ những giải pháp cụ thể, kịp thời góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trong đó, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính ban hành Công văn số 10491/BTC-TCHQ gửi UBND tỉnh, thành phố về việc hỗ trợ hoạt động hải quan trên địa bàn nhằm đảm bảo công tác quản lý nhà nước về hải quan, phòng chống buôn lậu gian lận thương mại; tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, nhập cảnh của doanh nghiệp.

Áp dụng hình thức miễn kiểm tra thực tế đối với các lô hàng vắc xin ngừa COVID-19; cho phép doanh nghiệp được đưa hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt như thuốc, vắc xin, sinh phẩm có yêu cầu nhiệt độ bảo quản về kiểm tra thực tế tại địa điểm bảo quản.

Chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế tạo điều kiện thuận lợi, thông quan trong ngày các lô hàng vắc xin nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch.

Chấp nhận Phiếu kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc có chữ ký điện tử của nhà sản xuất khi thực hiện thủ tục hải quan nhằm đảm bảo chất lượng của hàng hóa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong tình hình dịch bệnh bùng phát…

Tổng cục Hải quan cũng tháo gỡ và giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã chủ trì thống nhất với các cơ quan chuyên ngành cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng đường điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 và bổ sung bản gốc sau…

Sử dụng một số kho bãi, cảng khác trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các cảng cạn/ICD thuộc hệ thống Tổng công ty như ICD Tân Cảng-Long Bình, ICD Tân Cảng - Nhơn Trạch, ICD Tân Cảng - Sóng Thần, cảng Tân Cảng Hiệp Phước để thay đổi cảng đích, toàn bộ chi phí vận chuyển hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái và chi phí nâng hạ 2 đầu (nơi đi và nơi đến) do Tân cảng Sài Gòn chi trả, góp phần chia sẻ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Đồng thời, tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong toả.

Trong tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng hàng nông sản đặc biệt là khi mặt hàng hoa quả vào chính vụ, Tổng cục Hải quan đã kịp thời có công điện chỉ đạo các đơn vị hải quan phối hợp với các lực lượng tại cửa khẩu tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh cho xuất khẩu hàng nông sản và có giải pháp tránh ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.

Cũng tại hội nghị, đại diện các đơn vị vụ, cục thuộc Tổng cục Hải quan đã thông tin về các quy định chính sách hải quan mới ban hành, một số lưu ý khi triển khai Nghị định số 18/NĐ-CP. Đồng thời, lắng nghe giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách thuế liên quan đến hoàn thuế nhập khẩu liên quan đến hàng hóa tiêu hủy; kiểm hóa bằng máy soi, xuất xứ hàng hóa...

Theo https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/hai-quan-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-vuot-qua-covid19-340627.html