Đây là nội dung được trao đổi tại Hội thảo khoa học quốc gia: “Chính sách vượt qua tác động của COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế”, do Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tổ chức ngày 15/10.
Chủ trương đúng nhưng thực thi chưa hiệu quả
PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng NEU khẳng định: Chính phủ đã có những giải pháp chính sách rất kịp thời trong gói hỗ trợ lần 1 nhằm giải cứu một số khu vực kinh tế và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chia sẻ nhận định trên, PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Phó Hiệu trưởng NEU công bố kết quả khảo sát của trường, theo đó, có 61% DN được hỏi hoạt động bình thường, 30% cắt giảm quy mô sản xuất và gần 10% phải tạm dừng hoạt động. Tác động của đại dịch đối với các doanh nghiệp (DN) có quy mô nhỏ là nặng nề nhất.
DN và giới chuyên gia đánh giá cao việc Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra gói giải pháp 1 đúng và trúng. Các DN đồng tình và kỳ vọng lớn về việc tiếp tục hỗ trợ của Chính phủ như: Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH,) giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí…
“Tuy vậy, đáng tiếc là hiệu quả lại không cao như kỳ vọng khi có 80% DN được hỏi cho biết đã không tiếp cận được gói hỗ trợ do không đủ điều kiện và không có thông tin về chính sách”, PGS.TS. Bùi Đức Thọ cho biết.
Các chuyên gia tích cực thảo luận các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế. Ảnh:VGP. |
TS. Võ Trí Thành, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh thẳng thắn cho rằng, hiệu quả của của gói hỗ trợ lần 1 còn khá thấp, mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực, chính sách được chủ động ban hành kịp thời và quyết liệt với sự lắng nghe DN và đã xây dựng các kịch bản khác nhau để có phương án xử lý thích hợp nhất.
Trong bức tranh khá ảm đạm về kinh tế do dịch COVID-19, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra thông tin đáng chú ý là có không ít DN nhỏ lại có sức chống chịu khá tốt. Các DN này khá linh hoạt khi chuyển sang các hình thức kinh doanh trực tuyến, thậm chí có doanh số tăng lên.
“Hầu hết các DN chống chịu mạnh mẽ đã có sự chuẩn bị tốt hơn từ giai đoạn trước đó, thích ứng nhanh với những biến động thị trường do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Họ đã thay đổi định hướng đầu tư, phát triển thị trường, đây là những bài học cần nghiên cứu cụ thể hơn để học hỏi…”, chuyên gia Phạm Chi Lan nói.
Chọn lọc nhưng nhưng có tính lan toả
Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng, kết quả phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế ban đầu khá tốt của Chính phủ Việt Nam là quan trọng.
“Nếu Việt Nam vẫn bị hàng trăm ca nhiễm mỗi ngày như Nhật Bản hiện nay thì sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu của mình”, ông Shimizu Akira nói.
Trưởng đại diện JICA Shimizu Akira cho hay, thời gian qua, các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã tham vấn JICA khá nhiều về việc mở rộng, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đây là hướng đi đúng đắn để phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID-19.
“Về thu hút đầu tư, trước việc dịch chuyển chuỗi đầu tư, cung ứng, Việt Nam cần nâng cao hơn nữa để khả năng hấp thụ đầu tư, tăng cường đào tạo công nhân lành nghề, nhân lực có chất lượng cao…”, ông Shimizu Akira nói.
Cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Chính sách tiếp tục tập trung vào các giải pháp về tiền tệ như nới lỏng điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi suất, chính sách tài khóa là miễn giảm thuế, giảm chi phí…là đúng hướng.
Nhưng để các chủ trương đúng đắn của Chính phủ thật sự đi vào cuộc sống, các cấp triển khai ở dưới cần mạnh tay đơn giản hoá thủ tục, quy trình, tạo thuận lợi cho các đối tượng thuộc diện hỗ trợ.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, cần xem xét gói kích thích, hỗ trợ kinh tế lần 2 với quy mô đủ lớn, có kéo dài sang cả năm 2021 nhưng phải gắn với tái cấu trúc nền kinh tế và các xu thế phát triển mới trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam cần tận dụng lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và chiến lược đầu tư nước ngoài trước làn song dịch chuyển của nhiều DN.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV đánh giá, nếu so với các nước quy mô gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng khá nhỏ so với GDP. Gói hỗ trợ lần tới cần nhanh nhưng cũng cũng nên tính toán kỹ càng, quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, có độ bao phủ rộng, bao gồm cả các khu vực lao động phi chính thức, ưu tiên về các ngành nghề có công nghệ cao, năng lượng sạch.
Về phía các DN cần có các cam kết khi nhận hỗ trợ phải bảo vệ việc làm cho người lao động, hạn chế tối đa việc sa thải. Khi thiết kế gói hỗ trợ lần 2, đi đôi với triển khai tốt gói hỗ trợ lần 1.
“Theo tính toán sơ bộ, nếu chỉ cần giảm 1% thuế VAT có thể gây hụt thu ngân sách đến hơn 30.000 tỷ đồng, do đó, các giải pháp về tài khoá như giảm thuế cần thận trọng”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nhưng chưa cân bằng. Kim ngạch thương mại với một số thị trường có tỷ trọng khá lớn như: Trung Quốc (nhập siêu) và Hoa Kỳ (xuất siêu)
“Về lâu dài đây có thể là những rủi ro, vì vậy, nhân cơ hội này cần tái cấu trúc thương mại quốc tế, mở rộng các thị trường mới, để tránh bị lệ thuộc vào một vài thị trường như trước đây”, bà Phạm Chi Lan khuyến nghị.
Bà Phạm Chi Lan đồng tình với quan điểm của Chính phủ là việc hỗ trợ không dàn trải mà cần có sự chọn lọc, hướng tới các DN có khả năng phát triển trong tương lai.
“Đây cũng là dịp cần nhanh chóng đánh giá được các xu hướng phát triển mới, hướng sự hỗ trợ tới những ngành nghề, có công nghệ, tiềm năng phát triển trong tương lai”, bà Phạm Chi Lan nói.
Huy Thắng