Viện Kinh tế và Pháp Luật Quốc tế nghiên cứu và đưa ra nhận định của chuyên gia kinh tế về số liệu cùng với những giải pháp phục hồi sau COVID – 19.
Về kịch bản đón đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định trong thời gian qua dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, trong đó cũng là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo Bộ Tài chính đánh giá nền kinh tế trong nước phục hồi tích cực nhất trong các năm 2016-2019, nhưng đã suy giảm mạnh, chỉ đạt 2,9% trong năm 2020, kéo tăng trưởng cả giai đoạn 2016-2020 xuống mức 6% (kế hoạch là 6,5-7%). Trong khi các dự báo trước dịch Covid – 19 đều cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ lên tới 6,8%, nhưng trong quý II/2020 đã giảm xuống còn 0,36% (một chỉ số tốt trong bối cảnh đại dịch, nhưng lại là mức tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Việt Nam hơn 35 năm qua).
Năm 2020 ngân sách trung ương tiết kiệm được 49.300 tỷ đồng,
Trong năm 2020 dịch bệnh Covid -19 bùng phát làm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên nhờ vào quy mô chi ngân sách 5 năm 2016-2020 ước đạt 28%GDP (giai đoạn 2011-2015 là 29,5% GDP), năm 2020, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 29%, chi thường xuyên khoảng 63,1% tổng chi ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách Nhà nước trong cả giai đoạn giảm còn khoảng 3,6%GDP (mục tiêu là dưới 3,9%GDP); giảm mạnh nợ công từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống khoảng 55,8%GDP cuối năm 2020...Đây là những tiền đề để chúng ta thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và quyết định trong năm 2021 - năm bản lề thực hiện các nhiệm vụ lớn của đất nước. Tính đến ngày 31/12/2020, đã có khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng tiền thuế, thuê đất, phí và lệ phí được gia hạn, hoặc miễn giảm. Nhờ dịch bệnh COVID – 19 cả nước đã tiết kiệm 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương là 49.300 tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao. Những kết quả đạt được trong năm 2020 là hết sức tích cực và đáng tự hào nhưng vẫn còn quá sớm để cho rằng Việt Nam đã thoát ra khỏi khó khăn do Covid -19.
Dịch bệnh Covid – 19 là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 cho thấy thương mại toàn cầu đang trong một bối cảnh mới. Bối cảnh đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Với nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của ngành Tài chính là phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 3% so với dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ động viên vào NSNN khoảng 15,5%GDP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp chính sách để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế trong năm 2021. Trong đó giải pháp về chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí đầu vào, tăng vốn khả dụng cho doanh nghiệp, thông qua việc tiếp tục rà soát, xây dựng và triển khai các giải pháp chính sách về thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, để chuẩn bị kế hoạch kinh tế trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn trong tất cả các khâu. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân do vướng mắc thực thi quy định pháp luật như chậm giải phóng mặt bằng, vướng mắc trong tái định cư...Về dài hạn, cần tăng cường năng lực và trách nhiệm của đối tượng sử dụng vốn ở tất cả các khâu của dự án và kiên quyết cắt vốn đối với các dự án thực hiện không đảm bảo kế hoạch đề ra. ( Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời phỏng vấn Báo Dân Trí về Năm 2021 tiếp tục giải cứu, phục hồi nền kinh tế nhiệm kỳ 2021-2026)
Hoạch định chính sách, áp dụng thương mại điện tử…những giải pháp phục hồi kinh tế sau Covid - 19.
Theo nhận định của các chuyên gia bên Viện Kinh Tế Pháp Luật Quốc Tế cho biết, dịch bệnh COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. Trước tình hình đó, đòi hỏi chúng ta vừa phải tập trung ưu tiên phòng, chống dịch, đồng thời cần có các chính sách, giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để sớm phục hồi và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trong nước để phát triển kinh tế. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang dần thích nghi với trạng thái ‘bình thường mới’, chúng ta phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới ngân sách, đồng thời chuyển hướng đầu tư cho các yếu tố giúp tăng trưởng. Để chuẩn bị cho những khủng hoảng trong tương lai, đây chính là thời điểm thích hợp để xem xét lại các lĩnh vực đầu tư ưu tiên, tìm kiếm sự khác biệt trong chuỗi giá trị và đào tạo nhân sự theo cách vận hành mới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, suy thoái kinh tế thế giới có thể kéo dài hơn dự kiến, nhưng sẽ là cơ hội cho những nền kinh tế biết tận dụng từ việc hoạch định lại chính sách, xắp xếp lại cục diện kinh tế, chiến lượt thương mại toàn cầu, quyết liệt hơn trong việc tháo gỡ nút thắt thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất tạo động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng. Đồng thời đẩy nhanh quá trình thực hiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, hỗ trợ áp dụng thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định nền kinh tế vĩ mô để sớm phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19./.
Nguyễn Sơn