Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị MCM của OECD với tư cách Đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á (SEARP) của OECD. Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tới Pháp là chuyến trao đổi đoàn cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên giữa hai nước trong 10 năm qua; diễn ra trong bối cảnh hai bên đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp. Chuyến thăm Séc là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam sau 09 năm, diễn ra ngay sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Séc Petr Fiala (tháng 4/2023).
Việt Nam là một đối tác tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
OECD là cơ chế hợp tác đa phương quan trọng trong việc đề ra các quy định, tiêu chuẩn và tư vấn chính sách toàn cầu. Hợp tác Việt Nam – OECD ngày càng phát triển tích cực và đi vào thực chất. Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ Việt Nam – OECD giai đoạn 2022 – 2026 và Chương trình hành động thực hiện Biên bản ghi nhớ với các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Việt Nam cũng lần đầu, cùng với Hàn Quốc đảm nhiệm vai trò Đồng Chủ tịch SEARP giai đoạn 2022-2025.
Hội nghị MCM của OECD là hoạt động thường niên quan trọng nhất của OECD nhằm thảo luận các vấn đề chính trị - kinh tế - xã hội chiến lược cũng như trao đổi về xây dựng các quy định, tiêu chuẩn quản trị kinh tế toàn cầu.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Với chủ đề “Bảo đảm tương lai tự cường: các giá trị chung và quan hệ đối tác toàn cầu”. Hội nghị là dịp để các quốc gia cùng bàn thảo cho mục đích chung cần hướng tới, xác định quyết tâm cùng hóa giải các thách thức, tiến tới sự phát triển tự cường, bền vững và thịnh vượng.
Các nội dung trọng tâm của Hội nghị là thảo luận về Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của OECD, nỗ lực bình đẳng giới và các tiến bộ trong việc tiến tới nghị định khung để giải quyết các thách thức về thuế trong bối cảnh nền kinh tế số; thảo luận về các chính sách thương mại hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, trong đó ưu tiên các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư, đa dạng hoá và tự cường hoá chuỗi cung ứng, cũng như các biện pháp, chính sách củng cố thị trường mở, cải thiện tính minh bạch; thảo luận về các ranh giới trong tương lai, các công nghệ đổi mới cho các nền kinh tế phát thải ròng bằng không; thảo luận về tương lai của năng lượng, cách thức đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng sạch, xác định các nút thắt chính sách và các biện pháp xử lý thế tiến thoái lưỡng nan của an ninh năng lượng, tính hợp lý của giá cả và tính bền vững.
Hiện nay, OECD đang có Chương trình Đông Nam Á (SEARP) và đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với ASEAN. Hội nghị 2023 lần này là lần đầu tiên OECD mở rộng đối tượng khách mời ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như tăng cường sự tham gia của các nước khách mời tại các phiên thảo luận về chính sách và định hướng chính sách của tổ chức này.
Đây là bước tiến mới của OECD trong quan hệ hợp tác với khu vực này, đồng thời cũng thể hiện cam kết mạnh hơn của OECD với một khu vực kinh tế sôi động. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia ở cấp Bộ trưởng ở Hội nghị Hội đồng OECD, cũng là lần đầu tiên Việt Nam sẽ có những phát biểu đóng góp cho các vấn đề OECD quan tâm và thúc đẩy.
Trưởng đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ có phát biểu tại nhiều phiên của Hội nghị, về thương mại hướng tới tăng trưởng bền vững và bao trùm, về công nghệ đổi mới phục vụ cho các nền kinh tế phát thải ròng bằng không. Đây những nội dung nằm trong ưu tiên chính sách của Việt Nam, với góc nhìn của một nước đang phát triển, góp phần tạo nên cách tiếp cận đa dạng và thực tế về hai chủ đề đang được quan tâm trên toàn cầu.
Đoàn Việt Nam cũng sẽ tham dự nhiều hoạt động quan trọng khác, nhất là Sự kiện khai mạc Diễn đàn toàn cầu về công nghệ của OECD và Hội thảo về các diễn biến về Chính sách thuế toàn cầu, trong đó có vấn đề triển khai thực hiện Thuế tối thiểu toàn cầu trong khuôn khổ hai trụ cột của Hiệp định đa phương thực hiện các biện pháp liên quan đến Hiệp định thuế về ngăn ngừa xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS MLI). Bằng các đóng góp đó, Việt Nam thể hiện là một đối tác tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã và đang tiếp tục tham gia đóng góp một cách hiệu quả vào các vấn đề chung với tư cách là một nền kinh tế năng động và có nhiều tầm nhìn chung với các đối tác trên con đường phát triển và hội nhập hiện nay.
Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Pháp tiếp tục được duy trì hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Pháp tiếp tục được duy trì hiệu quả trên nhiều lĩnh vực và nhiều cơ chế hợp tác. Chuyến đi của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tới Pháp lần này cũng mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương Việt Nam - Pháp. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao ta tới Pháp kể từ khi hai nước ký Đối tác chiến lược cách đây tròn 10 năm. Quan hệ giữa hai nước qua 5 thập kỷ phát triển cũng như 1 thập kỷ triển khai Đối tác chiến lược đã có những tích tụ quan trọng cả về lượng và chất và đang tạo nên một hình mẫu hợp tác tiêu biểu giữa châu Á và châu Âu.
Chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang ở những điểm giao thoa mạnh mẽ. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hơn hướng tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong ASEAN và trong các cơ chế hợp tác tại khu vực, đồng thời tiếp tục triển khai mạnh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và hội nhập tích cực, chủ động. Những chính sách và tầm nhìn mới của hai nước đang là cơ sở tốt để hai bên thắt chặt hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược song phương.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chính sách của Việt Nam coi trọng quan hệ với Pháp và châu Âu trong tổng thể chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cũng như việc Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các đối tác khu vực trong các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển và hợp tác đang đặt ra.
Về thương mại, Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam. Tính riêng quý I/2023, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 1,191 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến tháng 02/2023, Pháp là quốc gia đứng thứ ba trong các nước châu Âu có đầu tư vào Việt Nam với 633 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,62 tỷ USD. Về hợp tác phát triển, Pháp là nhà tài trợ song phương ODA hàng đầu của châu Âu cho Việt Nam; Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước thụ hưởng ODA của Pháp tại châu Á. Về hợp tác quốc phòng – an ninh, hai nước đã ký Thỏa thuận sửa đổi hợp tác Việt – Pháp trong lĩnh vực quốc phòng và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018 – 2028. Hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục, văn hóa, du lịch... cũng được củng cố, thúc đẩy và ngày càng phát triển thông qua những dự án hợp tác song phương.
Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Séc đi vào chiều sâu và hiệu quả
Việt Nam và Cộng hòa Séc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/2/1950. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước phát triển tích cực. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Séc Petr Fiala bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN-EU (tháng 12/2022); trước đó tháng 8/2021, Thủ tướng hai nước đã điện đàm. Gần đây nhất là đoàn Thủ tướng Séc Petr Fiala thăm chính thức Việt Nam (tháng 4/2023).
Hai nước đã ký kết 14 hiệp định hợp tác trong nhiều lĩnh vực, như kinh tế, thương mại, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, vận chuyển hàng không, tránh đánh thuế trùng...
Bên cạnh đó, hai nước luôn phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực. Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).
Séc là nước Đông Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam. Hợp tác kinh tế - thương mại song phương phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều quý I/2023 đạt 205 triệu USD.
Về đầu tư, Séc có 41 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn 92 triệu USD, tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng. Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu. Về hợp tác phát triển, Séc là nước Trung Âu đầu tiên cấp ODA cho Việt Nam, tổng cộng khoảng 20 triệu USD.
Hợp tác về giáo dục-đào tạo là một lĩnh vực phát triển tiềm năng giữa hai nước. Séc đã giúp đỡ đào tạo hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, lao động Việt Nam sang học tập và làm việc tại nước bạn. Hai bên nỗ lực thúc đẩy các trường đại học uy tín của Séc phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học của nước ta để liên kết đào tạo trình độ trên đại học. Từ năm 1999 đến 2014, Chính phủ Séc đã cấp một số học bổng cho sinh viên và nghiên cứu sinh của nước ta sang Séc học tập.
Hợp tác trong lĩnh vực lao động cũng là một điểm sáng trong quan hệ song phương. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, Séc có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam được đào tạo về chuyên môn và tiếng Séc, nhất là trong lĩnh vực y tế.
Cộng hòa Séc đã thành lập một số cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho lao động Việt Nam về các lĩnh vực như cơ khí, công nghiệp ô-tô để bổ sung một lực lượng lao động lành nghề cho các doanh nghiệp Séc. Hai bên cũng thỏa thuận tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học-công nghệ, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, văn hóa, du lịch, tư pháp và pháp luật...
Cộng đồng Việt Nam ở Séc hiện có gần 100.000 người, có nhiều đóng góp tích cực phát triển quan hệ song phương. Chính quyền Séc đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt cư trú, kinh doanh theo pháp luật. Từ tháng 7/2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng Dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc.
Với mối quan hệ hợp tác có bề dày truyền thống, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, chuyến thăm Cộng hòa Séc lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Séc đi vào chiều sâu và hiệu quả, nhất là về chính trị - ngoại giao, thương mại – đầu tư, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ.
Qua Pháp và Séc tăng cường quan hệ Việt Nam – EU; thúc đẩy các nước EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) và EC gỡ bỏ thẻ vàng IUU với thủy sản Việt Nam./.
Mạnh Hùng
Nguồn: dangcongsan.vn