Hội nghị G7
Hội nghị năm nay mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển sâu sắc do tác động của dịch COVID-19, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới với khả năng lây lan nhanh và mạnh hơn khiến tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, trong khi sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine đang cản trở nỗ lực chống dịch toàn cầu.

Chia sẻ với thế giới 1 tỷ liều vaccine

Sau 3 ngày nhóm họp tại Vịnh Carbis, Cornwall, thành phố cảng bên bờ Đại Tây Dương miền Nam nước Anh, nguyên thủ các nước G7 cùng với 4 nước khách mời Australia, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nam Phi đã ra một bản tuyên bố chung dài 25 trang với các cam kết đầy tham vọng, bao trùm về ứng phó y tế với đại dịch COVID-19, phục hồi sau đại dịch gắn với môi trường, gửi đi các thông điệp mạnh mẽ, tích cực nhằm chung tay giải quyết nhanh chóng đại dịch và xây dựng thế giới trở lại tốt đẹp hơn. 

Lãnh đạo các nước G7 đã đạt được đồng thuận quan trọng về chia sẻ trách nhiệm với thế giới thông qua chiến lược phân phối vaccine. Thủ tướng Anh  Boris Johnson tuyên bố, G7 cam kết cung cấp cho thế giới khoảng 1 tỷ liều vaccine thông qua các cơ chế hiện có và viện trợ song phương, coi đây là một phần trong nỗ lực của G7 nhằm hướng đến mục tiêu chấm dứt đại dịch trong năm 2022.

Trong số này, 500 triệu liều vaccine Pfizer do Mỹ cung cấp qua Sáng kiến COVAX do Liên Hợp Quốc (LHQ) bảo trợ trong 2 năm 2021 và 2022. Anh cam kết ủng hộ ít nhất 100 triệu liều cho những nước nghèo nhất, trong đó, 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay. Theo Chính phủ Anh, khoảng 80 triệu liều sẽ được chuyển cho chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu, phần còn lại sẽ được chia sẻ song phương với các nước có nhu cầu. Nhật Bản cũng khẳng định sẽ đóng góp 30 triệu liều. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.

Hoan nghênh động thái này, nhưng Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, người tham dự hội nghị thượng đỉnh với tư cách khách mời, cho rằng cần phải có nhiều vaccine hơn thế. Ông nói: “Chúng tôi cần một sự phối hợp, cần kế hoạch tiêm chủng toàn cầu… Nếu không, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, ở nhiều khu vực của thế giới, virus sẽ tiếp tục lây lan như cháy rừng”.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc lại mục tiêu tiêm chủng cho 30% dân số của tất cả các quốc gia trên thế giới vào cuối năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, WHO cần “11 tỷ liều vaccine”, ông Tedros nói. Trước mắt, WHO cần 100 triệu liều vào tháng 6 và 7, 250 triệu liều nữa vào tháng 9.

Các cam kết đầy hứa hẹn khác

Hội nghị cũng đã đạt được đồng thuận quan trọng đối với “Tuyên bố Vịnh Cabis về y tế toàn cầu”, đưa ra một loạt các biện pháp ứng phó để tránh những nguy cơ xảy ra đại dịch trong tương lai, bao gồm “Sứ mệnh 100 ngày” nhằm rút ngắn thời gian phát triển và phê duyệt vaccine xuống 2/3 thời gian so với vaccine COVID-19 như hiện nay; thành lập Trung tâm Giám sát dịch bệnh toàn cầu (GPR) để theo dõi các biến chủng mới nhằm đưa ra các biện pháp đối phó kịp thời trước khi kịp bùng phát ra diện rộng cũng như Trung tâm Giải mã trình tự gene toàn cầu, nhằm cung cấp nền tảng công nghệ tốt nhất để nghiên cứu, giải mã sớm các biến chủng mới.

Các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí tăng cường tài chính để đáp ứng cam kết các nước giàu chi 100 tỉ USD mỗi năm giúp các nước nghèo hơn cắt giảm lượng khí thải carbon và ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu, nhưng chỉ có hai quốc gia đưa ra cam kết rõ ràng về khoản tài chính lớn hơn.

Cùng với các kế hoạch giúp tăng cường tài trợ cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển và chuyển sang công nghệ tái tạo và bền vững, G7 một lần nữa cam kết đáp ứng mục tiêu tài chính cho khí hậu.

Trong thông cáo chung, 7 quốc gia – Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản - tái khẳng định cam kết "cùng huy động 100 tỷ USD mỗi năm, từ các nguồn công và tư nhân, từ nay tới năm 2025".

Sau khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, Canada cho biết, quốc gia này sẽ tăng gấp đôi cam kết tài chính cho khí hậu lên 5,3 tỷ CAD (tương đương 4,4 tỷ USD) trong 5 năm tới và Đức sẽ tăng thêm 2 tỷ lên 6 tỷ euro (7,26 tỷ USD) mỗi năm, chậm nhất vào năm 2025.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi các nước phát triển tăng đóng góp tài chính, cung cấp viện trợ nhiều hơn cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đồng thời, loại bỏ dần các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.

Đặc biệt, trong "Hiệp ước về thiên nhiên" được công bố ngày 13/6 cùng với tuyên bố chung của G7, các nhà lãnh đạo cam kết giảm gần 50% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với năm 2010 và ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học.

Tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trì hội nghị cho biết, các quốc gia phát triển phải tiến xa hơn và nhanh hơn. "Các nước G7 chiếm 20% lượng khí thải carbon toàn cầu, do đó chúng tôi phải bắt đầu hành động để giảm lượng khí thải này”, ông Johnson nhấn mạnh.

Ngoài ra, một trong những điểm nhấn đặc biệt tại hội nghị là lãnh đạo G7 đã đưa ra sáng kiến cơ sở hạ tầng “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) với mục đích cung cấp giải pháp phục hồi xanh, phát triển kinh tế hậu COVID-19 thân thiện với môi trường dựa trên những giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Với những cam kết tham vọng như vậy, hội nghị thượng đỉnh G7 được đánh giá là khá thành công khi các nước đã tìm lại được tiếng nói chung trong cách thức tiếp cận các vấn đề cấp bách toàn cầu hiện nay. Như nhận định của Thủ tướng Đức Angela Merkel, các nước G7 đã đoàn kết hơn tại hội nghị lần này và điều đó cho thấy G7 có thể hợp tác tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề của thế giới với một động lực mới.

An Bình

Theo http://baochinhphu.vn/Quocte/Hoi-nghi-G7-Dat-nhieu-dong-thuan-quan-trong/434724.vgp