Tham dự Hội thảo, về phía IAEA, có ông Patrick Kenny, Chuyên gia quản lý chương trình, Bộ phận Châu Á - Thái Bình Dương, Vụ Hợp tác kỹ thuật; bà Muzna Assi, Chuyên gia Chuẩn bị Khẩn cấp, Trung tâm Khẩn cấp sự cố, Vụ an toàn và an ninh hạt nhân. Tại đầu cầu Việt Nam, có các đại biểu là các chuyên gia ứng phó sự cố của Viện khoa học và công nghệ hình sự (Bộ Công an), Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội, Viện hóa học và Môi trường (Bộ Quốc phòng), Cục ATBXHN, Cục Năng lượng nguyên tử, Viện NLNT Việt Nam, Viện nghiên cứu hạt nhân, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, Trung tâm Công nghệ hạt nhân và Sở KH&CN Tp. Hồ Chí Minh.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Dương Quốc Hùng đã bày tỏ cám ơn đến sự hỗ trợ của IAEA cho Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó sự cố bức xạ trong thời gian qua và nhấn mạnh, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không cho phép các hoạt động trực tiếp như các cuộc họp, hội thảo, các khóa đào tạo,… tuy nhiên, giải pháp công nghệ thông qua các nền tảng kỹ thuật số hiện đại đã giúp chúng ta duy trì đối thoại và hợp tác. Nhờ những giải pháp này, Hội thảo trực tuyến về Ứng phó ban đầu trong trường hợp khẩn cấp bức xạ hoặc hạt nhân được tổ chức với sự tham gia của đông đảo các đại biểu từ các Bộ, ngành có liên quan của Việt Nam.

Phó Cục trưởng cho biết, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó sự cố là một trong những vai trò quan trọng của Cục ATBXHN trong lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân. Chuẩn bị tốt trước bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào có thể cải thiện đáng kể khả năng ứng phó khẩn cấp. Thông qua đào tạo/diễn tập, những cán bộ tham gia ứng phó tăng cường mức độ sẵn sàng và biết cách ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về bức xạ. Vì tầm quan trọng này, trong khuôn khổ Dự án Hợp tác kỹ thuật RAS 9089 “Tăng cường Cơ sở hạ tầng an toàn bức xạ”, do IAEA hỗ trợ, Cục ATBXHN đã tổ chức Hội thảo trực tuyến về Ứng phó ban đầu trong trường hợp khẩn cấp bức xạ hoặc hạt nhân.

Phó Cục trưởng cũng hy vọng đây là cơ hội tốt cho các chuyên gia kỹ thuật của Cục ATBXHN cũng như các đồng nghiệp từ các cơ quan có liên quan có để học hỏi, trao đổi thông tin và kinh nghiệm về việc chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp, với trọng tâm là ứng phó ban đầu trong trường hợp khẩn cấp phóng xạ hoặc hạt nhân.

Hội thảo bao gồm các bài giảng, phiên thảo luận theo nhóm và bài tập. Các chủ đề được đề cập tại Hội thảo bao gồm:

-    Thông tin cơ bản về các ảnh hưởng của chiếu xạ;
-    Các con đường chiếu và hành động bảo vệ;
-    Bài học kinh nghiệm từ các sự cố phóng xạ trước đây;
-    Các khái niệm cơ bản về chuẩn bị và ứng phó khẩn cấp (EPR);
-    Tổ chức ứng phó và khái niệm về hoạt động;
-    Các nhiệm vụ ban đầu được thực hiện bởi người ứng phó ban đầu;
-    Nhiệm vụ của những người/đội ứng phó cụ thể (ứng phó mở rộng ở cấp địa phương) bao gồm đội an ninh, đội cứu hỏa, y tế khẩn cấp, thông tin công chúng, điều phối viên, giám sát viên ứng phó ban đầu và các quan chức quốc gia;
-    Đánh giá nguy cơ phóng xạ;
-    Hướng dẫn bảo vệ nhân viên ứng phó;
-    Hướng dẫn bảo vệ dân chúng;
-    Kiểm tra và khử xạ dân chúng và những người ứng phó;
-    Kiểm tra và khử xạ các phương tiện và thiết bị;
-    Xem xét hiện trường vụ án và quản lý bằng chứng;
-    Truyền thông công chúng; và
-    Vai trò của IAEA trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các trường hợp khẩn cấp bức xạ của các Quốc gia thành viên.

Theo https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/19919/hoi-thao-truc-tuyen-ve-ung-pho-ban-dau-trong-truong-hop-khan-cap-buc-xa-hoac-hat-nhan.aspx