Lực lượng y tế khẩn trương triển khai lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trường hợp cần phải hỗ trợ thêm cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật, tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương, xem xét, quyết định theo thẩm quyền việc sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn.

Trước đó, Bộ Tài chính nhận được đề nghị hướng dẫn kinh phí tăng thêm cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 của một số địa phương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 3389/VPCP-KTTH ngày 24/5/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc hỗ trợ thêm cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 của TP. Hà Nội, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như trên.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chỉ tiêu ngân sách như sau: Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ. Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp.

Chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày HĐND cấp tỉnh quyết định ban hành, UBND cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan chế độ chi ngân sách đặc thù ở địa phương để tổng hợp và giám sát việc thực hiện.

Mới đây TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng thêm 70% mức bồi dưỡng lực lượng phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, để bảo đảm động viên kịp thời cho các đối tượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách, UBND TP. Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận để các cấp ngân sách TP. Hà Nội chi hỗ trợ thêm cho các đối tượng tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ và đối tượng tại Khoản 3.2 Mục 3, Phụ lục 01 Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 15/5/2020 của HĐND Thành phố từ nguồn ngân sách thành phố theo mức bằng 70% (mức tối đa) mức chi do Chính phủ và HĐND Thành phố quy định. 

Hà Nội cũng kiến nghị thời gian áp dụng chính sách này là từ ngày 1/5/2021 (thời điểm dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn Thành phố).

KL

Theo http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Huong-dan-su-dung-kinh-phi-tang-them-cho-luc-luong-phong-chong-dich-COVID19/432540.vgp