Hình ảnh: Khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão số 1
Mưa lớn gây ngập lụt tại tỉnh Nghệ An (Ảnh: BT)
Theo báo cáo nhanh sáng 2/10 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, hiện nay, lũ trên sông Cả (Nghệ An), sông Ngàn Sâu và sông La (Hà Tĩnh) đang xuống chậm. Dự báo trong 36 giờ tới, lũ trên sông Cả và sông La tiếp tục xuống chậm.
 
Tình trạng ngập lụt tại các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An), Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang (Hà Tĩnh) giảm dần.
 
Từ ngày 2/10, trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu sông Mã lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu sông Mã ở dưới mức báo động 1.
 
Nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở trung du, vùng núi, ven sông tại tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, đặc biệt tại các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đề phòng sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.
 
Đáng chú ý, báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cho biết, tình hình thiệt hại do mưa lũ tính đến 17h ngày 1/10 đã làm 7 người chết (tại Nghệ An). Bên cạnh đó, 26 nhà thiệt hại trên 70%; 143 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 55 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 14.033 nhà bị ngập (Nghệ An 11.969, Hà Tĩnh 1.991, Thanh Hóa 73) hiện nước đang rút chậm.
 
Về nông nghiệp, 2.407ha lúa; 9.028ha hoa màu; 3.803ha cây công nghiệp, ăn quả, hằng năm, lâu năm; 134,95ha rừng bị thiệt hại. Đồng thời, 1.002 con gia súc, 154.338 con gia cầm bị chết, cuốn trôi;  9.053ha ao hồ, 715 tấn muối  bị thiệt hại.
 
Ngoài ra, 127 điểm trường bị ảnh hưởng, 4 phòng họp bị tốc mái; 9.150m kênh mương, 26 đập loại nhỏ bị hư hỏng; 82 cầu, cống bị hư hỏng; 51 cột điện, 5.527m tường rào bị đổ; 1.550m bờ sông bị sạt lở. Về giao thông, sạt lở 75.872 m3 đất đá; 112 cầu, cống bị hư hỏng; 29 vị trí bị ngập; 100 vị trí bị sạt lở.
 
Nhằm tiếp tục triển khai ứng phó sau mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc các công điện số: 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ, số 30/CĐ-QG ngày 29/9/2022 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo. Thống kê, tổng hợp, báo cáo tình hình thiệt hại; huy động lực lượng kịp thời, khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão; dọn dẹp vệ sinh môi trường, đường phố, khắc phục hệ thống điện, thông tin, nước sạch sinh hoạt để nhanh chóng bảo đảm đời sống, sinh hoạt cho người dân.
 
Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân, nhất là những hộ khó khăn sửa chữa lại nhà cửa bị sập đổ, tốc mái, hư hại; khắc phục nhanh các công trình công cộng (trường học, trạm y tế...) để bảo đảm điều kiện cho học sinh trở lại trường, nơi khám chữa bệnh cho người dân. Khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do bão, mưa lũ để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, ổn định đời sống người dân thời gian tới.
 
Đặc biệt, tiếp tục theo dõi chặt chẽ mưa lũ, tổ chức lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động di dời, sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.
 
BT
Nguồn tin: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-sau-bao-620965.html