Hình ảnh: Khi nào DN phải đăng ký miễn trừ chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy? số 1
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Công ty ông Duy có tìm hiểu quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, tuy nhiên có một số nội dung không được rõ. Ông Duy hỏi, nếu công ty nhập khẩu, sản xuất sản phẩm hoặc vật liệu không có chứa bất kỳ chất POP nào thuộc Phụ lục XVII ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP thì có phải đăng ký miễn trừ hay không?
 
Nếu không phải đăng ký miễn trừ, thì công ty có phải xuất trình bằng chứng chứng minh sản phẩm và vật liệu không có chứa chất POP hay không? Bằng chứng có thể chấp nhận là gì (kết quả thử nghiệm, bản đánh giá sự phù hợp hay thư công bố không chứa chất POP của hãng sản xuất)?
 
Ngoài xuất trình bằng chứng chứng minh không chứa chất POP, sản phẩm, vật liệu có phải dán nhãn công bố thông tin hay không?
 
Nếu phải đăng ký miễn trừ thì thời hạn đăng ký miễn trừ là bao lâu?
 
Tại Khoản 2, Điều 40 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nêu "Việt Nam công nhận, thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp đối với nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất POP do tổ chức quốc tế, quốc gia có năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật".
 
Vậy Bộ Tài Nguyên và Môi trường có công bố danh sách tổ chức quốc tế, quốc gia nào đủ điều kiện để được thừa nhận, công nhận kết quả đánh giá sự phù hợp hay không? Nếu có thì công bố tại đâu?
 
Đã có hướng dẫn chi tiết về việc đánh giá sự phù hợp và dán nhãn dựa theo Điều 39, 40 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hay chưa?
 
Ông Duy cho rằng sẽ rất khó cho công ty khi phải thực hiện thử nghiệm, đánh giá và dán nhãn cho từng đơn vị sản phẩm riêng lẻ, đồng thời sẽ phát sinh chi phí rất lớn.
 
Ông đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện quy định này.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
 
Theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tổ chức, cá nhân (doanh nghiệp) nhập khẩu, sản xuất, sử dụng chất POP thuộc Phụ lục XVII của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP làm nguyên liệu sản xuất trực tiếp thì phải thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP.
 
Do vậy, doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất sản phẩm, vật liệu không chứa chất POP thuộc Phụ lục nói trên thì không phải thực hiện đăng ký miễn trừ chất POP.
 
Theo quy định nói trên, doanh nghiệp không phải xuất trình bằng chứng (hồ sơ, giấy tờ có liên quan) chứng minh sản phẩm, vật liệu không có chứa chất POP nhưng vẫn thực hiện các thủ tục hải quan hoặc đánh giá sự phù hợp, dán nhãn công bố thông tin theo quy định của pháp luật có liên quan.
 
Đang dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn các chất POP
 
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 40 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 2, Điều 26 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa), Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ công bố danh sách tổ chức đánh giá sự phù hợp do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy và tổ chức quốc tế, quốc gia có năng lực thực hiện đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật trên trang thông tin điện tử của Bộ hoặc Tổng cục.
 
Điều 39 và Điều 40 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã quy định rõ về việc dán nhãn, công bố thông tin và đánh giá sự phù hợp đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy.
 
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn các chất POP trong nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị (dự kiến sẽ ban hành trong năm 2022), trong đó quy định quy cách lấy mẫu để thực hiện thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp và dán nhãn bảo đảm quản lý hiệu quả về bảo vệ môi trường cũng như bảo đảm sự phù hợp, thuận tiện trong hoạt động nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất POP và nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất POP của doanh nghiệp.
 
Báo Chính phủ
Nguồn tin: https://baochinhphu.vn/khi-nao-dn-phai-dang-ky-mien-tru-chat-o-nhiem-huu-co-kho-phan-huy-10222092310343943.htm