Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 và “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 07/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nêu rõ các mục tiêu trọng tâm xây dựng tài chính điện tử, thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán…

Đồng thời, ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030.

Chiến lược đặt ra các mục tiêu cụ thể như đến năm 2025, KBNN vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi NSNN qua KBNN được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán NSNN; chia sẻ thông tin, dữ liệu thu, chi ngân sách nhà nước theo thời gian thực; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi NSNN theo hướng kiểm soát theo rủi ro. Sau năm 2025, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Kho bạc số.

Để đạt được mục tiêu trở thành Kho bạc điện tử, trong những năm qua, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công tác quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN), phối hợp chặt chẽ trao đổi thông tin dữ liệu dùng chung với cơ quan thuế, hải quan và ngân hàng thương mại trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh phát sinh rất nhiều chứng từ hoàn trả thuế thu nhập cá nhân (TNCN), số lượng chứng từ hoàn thuế TNCN phát sinh bình quân tử 400 đến 500 chứng từ hoàn/ngày, ngày cao điểm lên đến 800 chứng từ. Kế toán viên phải tập trung thanh toán chi trả cho người nộp thuế trong thời gian ngắn. Cụ thể như năm 2018, số lượng chứng từ hoàn thuế chỉ tính riêng ở văn phòng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã lên tới 16.000 chứng từ; đến năm 2019, số lượng chứng từ hoàn thuế tiếp tục tăng lên gần 19.000 chứng từ; năm 2020, số lượng chứng từ hoàn thuế TNCN trên 22.000 chứng từ; năm 2021, số lượng chứng từ hoàn thuế TNCN trên 26.000 chứng từ, dự kiến năm 2022 con số này có thể tăng 25%.

Với số lượng chứng từ hoàn thuế TNCN như trên, khâu nhập liệu thủ công vào hệ thống để thanh toán cho đối tượng thụ hưởng vẫn còn mất nhiều thời gian, dẫn đến quá tải cho kế toán viên phụ trách công tác hoàn thuế TNCN. Vì vậy, để kịp thanh toán cho đối tượng nhận tiền hoàn thuế, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh phải bố trí nhiều công chức nhập liệu tăng cường, gây mất nhiều thời gian và công sức…

Năm 2021, sau thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết về quy trình nghiệp vụ và nâng cấp hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin, Kho bạc Nhà nước đã tiếp tục phối hợp với Tổng cục Thuế báo cáo Bộ Tài chính triển khai truyền nhận thông tin hoàn trả NSNN điện tử.

Bộ Tài chính ban hành Công văn số 143/BTC-TCT ngày 07/01/2021 hướng dẫn về nguyên tắc chung triển khai truyền nhận thông tin hoàn trả NSNN điện tử giữa Tổng cục Thuế và Kho bạc Nhà nước, trong đó, thực hiện điện tử hóa từ khâu tiếp nhận hồ sơ đến xử lý và gửi chứng từ hoàn điện tử sang Kho bạc Nhà nước.

Trong năm 2021, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và xử lý 28.577 chứng từ hoàn thuế điện tử (tương ứng 13.202 tỷ đồng) tăng hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có 26.650 chứng từ hoàn thuế thu nhập cá nhân (tương ứng hơn 341 tỷ đồng) và 1.927 chứng từ hoàn thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp (tương ứng 12.861 tỷ đồng).

Kết quả trên cho thấy, việc hoàn trả các khoản thu NSNN điện tử đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời đẩy nhanh thời gian hoàn thuế vì giảm hàng trăm ngàn chữ ký sống của công chức thuế và kho bạc mỗi năm. Các khoản hoàn trả NSNN được xử lý nhanh chóng, mỗi công chức làm công tác hoàn thuế của Kho bạc có thể hoàn thiện trên 300 lệnh hoàn trả/ngày, tiết kiệm thời gian nhập chứng từ, hoàn trả kịp thời cho người thụ hưởng, tăng cường tính minh bạch trong công tác quản lý thu ngân sách nhà nước.

Theo https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/kho-bac-nha-nuoc-tp-ho-chi-minh-tich-cuc-trien-khai-hoan-thue-dien-tu-347618.html