Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Truy tìm và xử lý tài sản bị chiếm đoạt trong giai đoạn THADS

Thưa ông, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án tham nhũng nêu rõ, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Vậy, hệ thống thi hành án dân sự có giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả yêu cầu trên của Chỉ thị?

Ông Nguyễn Quang Thái: Yêu cầu của Ban Bí thư nêu rất rõ về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là rất quan trọng, xuyên suốt, bắt đầu từ công tác phòng ngừa đến việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án dân sự... Để thực hiện tốt Chỉ thị, đối với hệ thống THADS cần xác định một số giải pháp, cách thức chủ yếu.

Trước hết, tổ chức quán triệt để cán bộ, công chức trong hệ thống THADS hiểu đúng, đầy đủ về nội dung, yêu cầu của Chỉ thị, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến chức trách, nhiệm vụ của từng cấp (từ cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương).

Trong xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị sẽ rà soát, xác định rõ nhiệm vụ cần làm ngay, những việc mang tính chiến lược, lâu dài; những việc thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp, những việc thuộc thẩm quyền quyết định, quy định của cấp trên và những việc cần phải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan...

Cá thể hóa trách nhiệm, đề cao vai trò của từng công chức, nhất là chấp hành viên trong việc kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.

Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, để kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai thì phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Tòa án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, tránh tình trạng để đến khi có án thì vụ việc đã trở thành “vườn không, nhà trống”.

Thủ trưởng cơ quan THADS cần chủ động, kịp thời báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến THADS nói chung và thu hồi tài sản được nêu trong Chỉ thị nói riêng. Tiếp tục tham mưu kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo THADS các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong toả, xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng và THADS.

Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp kiểm sát để giám sát, phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng (nếu có) liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế chính trong nội bộ hệ thống THADS.

Các mục tiêu ưu tiên

Hệ thống THADS đặt ra các mục tiêu ưu tiên như thế nào trong việc kiến nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt?

Ông Nguyễn Quang Thái: Pháp luật về THADS không chỉ bao gồm các quy định của Luật Thi hành án dân sự, các quy định chi tiết mà có liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật khác. Do vậy, chúng ta  phải tính toán kỹ để xác định những nội dung cần làm trước, cần làm sau và bảo đảm tính tổng thể thống nhất trong hệ thống pháp luật. Trước mắt, chúng tôi sẽ rà soát ngay những văn bản, quy trình nội bộ, đồng thời tham mưu, rà soát, tiến tới tổng kết, đánh giá, hướng tới có thể tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự.

Do đó, ưu tiên, cũng là mong muốn tới đây của chúng tôi, là cần có quy định đặc thù về trình tự thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Hiện nay các quy định của pháp luật THADS chưa có hướng dẫn  riêng về trình tự và quy định thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, dẫn đến khó khăn, nhiều trường hợp làm chậm, kéo dài việc thu hồi.

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thanh toán không dùng tiền mặt

Thưa ông, Chỉ thị số 04-CT/TW yêu cầu khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Vấn đề này theo ông có tầm quan trọng như thế nào trong công tác THADS, nhất là việc thu hồi tài sản thị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng hiện nay?

Ông Nguyễn Quang Thái: Tất cả những nội dung trên đều rất quan trọng đối với công tác phòng chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng.
Ví dụ, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nếu hoàn thiện sẽ chứa đựng, quản lý rất nhiều thông tin như: Thông tin về chính sách, pháp luật đất đai; thông tin về hiện trạng sử dụng đất; thông tin về đăng ký và thống kê đất đai (cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các quyền của người sử dụng đất ...); thông tin về hồ sơ địa chính; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thông tin về giá đất và phát triển quỹ đất; thông tin về thanh tra đất đai...) sẽ không chỉ thuận lợi cho quá trình quản lý của ngành tài nguyên môi trường mà còn thuận lợi khi cơ quan THADS đề nghị phối hợp, cung cấp, tra cứu phục vụ cho quá trình THADS. Hay vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, đây là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chỉ đạo và đã thu được kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, pháp luật giao cho chấp hành viên cơ quan THADS có thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án mà trước hết phải làm rõ xem đương sự phải thi hành án có bao nhiêu tiền, tiền đó ở đâu… Nội dung này tưởng là dễ nhưng cuối cùng lại là vấn đề khó nhất bởi đương sự phải thi hành án lại có hoàn cảnh khác nhau, như người thì không có tài khoản, hoặc có cũng không để tiền trong tài khoản, có trường hợp có tiền nhưng cũng không cung cấp, phối hợp. Nguyên nhân chính là việc thanh toán tiền của đương sự chủ yếu bằng tiền mặt, không thông qua tài khoản. Do đó, chúng ta càng sớm hoàn thiện pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt càng thuận lợi cho việc phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản trong vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng và cả cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn (thực hiện)

Theo http://baochinhphu.vn/Phap-luat/Khong-de-tinh-trang-vuon-khong-nha-trong-khi-thi-hanh-an-dan-su/435222.vgp