A Tường, Phạm Y Thị Lệ Khanh cho biết, chúng em đã đi khảo sát và được biết trên địa bàn huyện có nguồn măng rừng (măng le và măng nứa) rất dồi dào, đặc biệt là ở hai xã Đăk Rin, Đăk Nên. Nguyện liệu măng này hoàn toàn được lấy từ rừng, bà con nông dân chủ yếu thu hái về rồi tự làm thủ công như: gọt, cắt tỉa, tước, chẻ, phơi khô đóng gói rồi bán cho thương lái. Việc làm này của bà con còn mang tính tự phát, các công đoạn sơ chế chưa khoa học, bỏ ra nhiều công sức nhưng lợi nhuận chưa không cao.
Hình ảnh: Kon Tum: Sáng chế thiết bị “Chẻ mỏng măng bán tự động” số 1
A Tường đang thiết kế lắp ráp thiết bị
“Với suy nghĩ phải làm sao áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chế biến nông, lâm sản của bà con trên địa bàn huyện Kon Plông trở thành những đặc sản có thương hiệu, uy tín về chất lượng để phục vụ du khách. Đồng thời, vừa rút ngắn được công đoạn, vừa tiết kiệm thời gian, công sức lao động mà vẫn có thể chẻ được măng nhanh hơn, giữ nguyên búp, đều và đẹp mang lại thu nhập cho bà con nơi đây. Từ những kiến thức chúng em đã được học và thông qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng sự giúp đỡ của thầy Phan Nguyên Hậu, giáo viên bộ môn công nghệ của trường chúng em đã thiết kế ra thiết bị “Chẻ mỏng măng bán tự động” này” - A Tường cho hay”.
 
Thiết bị “Chẻ mỏng măng bán tự động” được hai em dùng thép hộp làm khung, tấm alu làm vỏ; cùng với đó là đại truyền, bánh dẫn, dao cắt, Rulo và động cơ điện công suất 1200W, tốc độ quay 500 vòng/phút được lắp ráp đúng sơ đồ nguyên lý đã được các em thiết kế. Sau khi được cấp nguồn điện 220VAC, động cơ và bánh chủ động quay; thông qua đại truyền bánh bị dẫn và Rulo quay; măng sẽ quay tròn qua dao cắt chuyển động tịnh tiến sẽ cho ra sản phẩm măng chẻ như ý.
 
Em A Tường, Phạm Y Thị Lệ Khanh chia sẻ: “Trong thời gian nghiên cứu và tiến hành thực hiện đề tài này chúng em đã nhận thức rõ hơn về ý nghĩa của khoa học kỹ thuật và việc vận dụng khoa học kỹ thuật vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; kết quả đạt được đã giúp chúng em có thêm động lực để tiếp tục tìm tòi, khám phá và nghiên cứu khoa học kỹ thuật”.
 
Theo thầy giáo Phan Nguyên Hậu (giáo viên hướng dẫn), thiết bị “Chẻ mỏng măng bán tự động” sau khi được hoàn thành đi vào vận hành thử cho thấy ưu thế vượt trội về thời gian và tiết kiệm công sức cho bà con. So với phương pháp thủ công hiện có, một người trong thời gian một buổi tối chẻ, gọt, thái được 10kg măng tươi, thì việc sử dụng thiết bị “Chẻ măng bán tự động” nâng công suất lên gấp mười lần; nghĩa là việc sử dụng thiết bị có thể cho ra mẻ măng được thái mỏng là 50kg. Mỗi mẻ măng sau khi được thái bằng thiết bị cũng đều hơn, mỏng hơn, rất dễ phơi khô mà vẫn giữ được độ phẳng của từng lát măng. Bên cạnh đó, thiết bị còn có thể xay xát được củ mỳ để phục vụ cho chăn nuôi.
 
Thầy Bùi Văn Quế - Hiệu phó Trường PTDTNT THPT Kon Plông chia sẻ: “Sau khi hai em A Tường, Phạm Y Thị Lệ Khanh có ý tưởng làm thiết bị “Chẻ mỏng măng bán tự động” nhà trường rất ủng hộ vì đây là một sản phẩm rất thiết thực với người bà con nông dân nơi đây. Thiết bị này có cấu tạo đơn giản, dễ lắp ráp, dễ vận hành, dễ kiểm tra và sửa chữa bảo dưỡng. Sau khi đưa vào sử dụng, thiết bị hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu thiết kế; đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ và giá thành cũng hợp lý. Thiết bị phục vụ thiết thực cho đời sống hằng ngày, góp phần quảng bá đặc sản Măng khô Kon Plông. Tuy nhiên để thiết bị “Chẻ mỏng măng bán tự động” được ứng dụng rộng rãi thì rất cần được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của các tổ chức, cá nhân để sản phẩm phát huy hơn nữa lợi ích trong thời gian tới đây”.
Quang Mạnh
Nguồn tin: https://vusta.vn/kon-tum-sang-che-thiet-bi-che-mong-mang-ban-tu-dong-p91332.html