Đợt bùng phát dịch COVID-19 ở Hà Nam vừa qua khởi phát từ ca bệnh BN687470 ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân (TP Phủ Lý) ngày 19/9 đã khiến một số địa bàn của tỉnh bị phong tỏa. Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh tại địa phương đã cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động trên địa bàn đã dần trở về trạng thái bình thường mới.

Để đạt được những kết quả ban đầu trên, cùng với chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của ngành y tế trong việc triển khai các biện pháp cấp bách, thần tốc phòng chống dịch, phải kể đến sự góp sức không nhỏ của công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy tốt vai trò.

Hệ thống truyền thanh thực hiện chức năng thông tin cơ sở. 

Ông Nguyễn Văn Trung, nhà ở thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý cho biết: Hôm biết tin nơi mình ở có ca dương tính phải phong tỏa, tôi và nhiều người trong thôn hết sức bất ngờ; sau đó các ngả đường dẫn vào khu dân cư đều có chốt kiểm soát nghiêm ngặt, mọi người dân được yêu cầu ở yên trong nhà. Kênh thông tin lúc này của bà con về dịch bệnh mới đầu nắm qua mạng xã hội, qua tivi…, tuy nhiên những thông tin cập nhật nhanh nhất và sát nhất về dịch bệnh trên địa bàn được phát trực tiếp từ những chiếc loa truyền thanh quen thuộc.

“Nghe loa truyền thanh, chúng tôi cập nhật được liên tục và tức thời về tình hình dịch bệnh, về gia đình có người mắc bệnh, các ca nhiễm mới, các F0, F1, công tác cứu trợ, tiếp tế cũng như khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch” – ông Trung nói.

Khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh Hà Nam đã quyết định giãn cách xã hội một số địa bàn của thành phố Phủ Lý. Những ngày giãn cách, toàn thành phố vắng vẻ đến lạ thường, duy nhất chỉ có những chiếc loa phường dọc trên các tuyến phố vẫn miệt mài hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Dân, ở tổ 5 phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý cho biết: “Với cả “rừng” thông tin về dịch bệnh cập nhật hàng phút, hàng giây trên mạng xã hội rất nhiễu loạn, người dân chúng tôi rất khó lựa chọn ra những thông tin tin cậy. Do đó những thông tin từ hệ thống loa phường – tiếng nói của Đảng và Nhà nước ở địa phương luôn được chúng tôi chọn tiếp nhận vì đó là những thông tin chính thống, tin cậy và sát với tình hình thực tế nơi mình đang sống…”.

Ghi nhận thực tế ở các vùng nông thôn Hà Nam cho thấy thông tin từ những chiếc loa truyền thanh thực sự trở thành kênh thông tin đắc lực, vì ở những vùng nông thôn không phải ai cũng sử dụng thành thạo các thiết bị công nghệ hiện đại.

Bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, Hà Nam cho biết: Những ngày dịch bệnh, hệ thống loa truyền thanh của địa phương luôn hoạt động hết công suất và phát vào nhiều khung giờ trong ngày; các bản tin nóng được đọc phát trực tiếp, lặp lại 2 – 3 lần, với nội dung thông tin ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể, để đảm bảo mọi người dân luôn nắm được dễ dàng, đầy đủ các thông tin liên quan đến dịch bệnh ở địa phương.

Cạnh đó, các hệ thống văn bản cấp trên chỉ đạo và địa phương ban hành cũng được đài phát thanh xã thông tin kịp thời, nhanh chóng tới từng người dân. “Đặc biệt tại các khu vực phong tỏa “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trên địa bàn xã, thì hệ thống loa truyền thanh thực sự tỏ ra “lợi hại”, mọi thông tin tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo và thông báo mới về dịch COVID-19 đều được cập nhật, truyền đạt đầy đủ vào các khu dân cư” – bà Tuyến nói.

Những chiếc loa truyền thanh lưu động theo chân các chiến sỹ chống dịch tuyến đầu
ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân.  

Ông Nguyễn Văn Toàn, nhà ở thôn Thạch Tổ, xã Thanh Hà cho biết: Bàn về loa truyền thanh, tôi thấy nó rất hữu ích. Những ngày qua, thôn chúng tôi bị phong tỏa tạm thời, là những người thuộc thế hệ cũ, không ít người trong chúng tôi không thể sử dụng được điện loại thông minh để vào mạng nên các thông tin về tình hình địa phương, không cứ là dịch bệnh, đều tiếp nhận chính qua hệ thống truyền thanh của xã. Những ngày phong tỏa cao điểm, không quản nắng mưa, loa truyền thanh được phát bản tin tăng cường đến cả 21-22 giờ đêm, đã kịp thời tuyên truyền, động viên tinh thần bà con nhân dân trong vùng phong tỏa yên tâm chống dịch, nhờ vậy ai cũng cảm thấy ấm lòng.

“Cái hay của loa truyền thanh không chỉ khi có dịch bệnh, mà những ngày thường nó cũng rất hiệu quả như người đang đi đường, ở nhà, ở trong lớp học, trên đồng ruộng, ở chợ… cũng đều nghe thấy nội dung truyền thanh từ loa và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, ngắn gọn nhất..” – anh Nguyễn Văn Huy ở thôn 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục chia sẻ.

Đi tác nghiệp những ngày dịch bệnh bùng phát ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân hồi tháng 5/2021, chúng tôi thấy những chiếc loa truyền thanh còn theo chân các chiến sỹ tuyến đầu chống dịch tuyên truyền lưu động trong các địa bàn dịch bệnh nóng bỏng.

Ghi nhận hiệu quả loa truyền thanh ở một số địa bàn khác của Hà Nam như huyện Kim Bảng, Duy Tiên chúng tôi thấy, hệ thống truyền thanh đã len lỏi khắp các nẻo đường, ngõ xóm, luồn sâu vào các khu dân cư để thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền cơ sở. Việc này đã giúp người dân chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành vi ứng xử, nhờ đó hầu hết ở các địa bàn có phong tỏa người dân đều tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch.

Liên quan đến câu chuyện loa truyền thanh, còn nhớ hồi tháng 4/2021, một người ở thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) không may đánh rơi 21,4 cây vàng giá trị hàng tỷ đồng. Sau khi nhận được trình báo, cơ quan chức năng địa phương đã thông báo rộng rãi sự việc trên hệ thống loa truyền thanh. Kết quả đã có người dân trình báo nhặt được số tài sản trên và đang tìm cách liên lạc trả lại. Như vậy nhờ hệ thống loa truyền thanh, người mất tài sản trong sự việc đã nhanh chóng tìm lại được số tài sản lớn của mình…

Những năm qua, cùng các loại hình thông tin tuyên truyền khác, hệ thống phát thanh của Hà Nam cũng có những chuyển biến vượt bậc. Với hệ thống trang thiết bị đồng bộ hiện đại, hệ thống đài truyền thanh 6 huyện, thành phố, thị xã và đài truyền thanh cơ sở với hàng trăm cụm loa truyền thanh ở các phường, xã, thực hiện phủ sóng phát thanh 100% diện tích toàn tỉnh...Hệ thống phát thanh, truyền thanh từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy hiệu quả công tác tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận và tuyên truyền trên mọi lĩnh vực.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, và thực tế hiện nay đã chứng minh, loại hình thông tin loa truyền thanh vẫn cần thiết trong đời sống của người dân. Có những thời điểm tưởng như loa truyền thanh sắp bị “khai tử” ở các địa phương, thế rồi nó vẫn tồn tại vì gắn liền và phù hợp với đặc thù dân sinh làng xã nước ta, hơn nữa nó còn là công cụ thông tin nhanh, hiệu quả phục vụ đắc lực trong các nhiệm vụ chính trị, an ninh trật tự xã hội. Và thực tế loa truyền thanh góp sức chống dịch ở Hà Nam là một trong các minh chứng sinh động./.

Bài, ảnh: Kim Chiến
Theo https://dangcongsan.vn/ban-doc/y-kien-ban-doc/loa-truyen-thanh-chong-dich-o-ha-nam-594332.html