Phát biểu tiếp thu ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp sát sao với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng thống nhất, đồng bộ việc thực hiện pháp luật, tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Qua 21 ý kiến của các đại biểu Quốc hội đóng góp cho Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổng hợp và tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu. 

Đối với ý kiến về hai khái niệm “an toàn vốn” và “an toàn tài chính”, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, đây là hai khái niệm khác nhau. Trong đó, khái niệm “an toàn vốn” đã được làm rõ tại Khoản 1, Điều 108 Dự thảo Luật. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn không thấp hơn quy định của Bộ Tài chính. Tỷ lệ an toàn vốn là tỷ lệ giữa vốn thực có và vốn trên cơ sở rủi ro theo quy định của Bộ Tài chính.

Về an toàn tài chính, dự thảo Luật có quy định rõ tại Điều 93 như sau: Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải chủ động rà soát các quy trình, quy chế, khung quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, đánh giá hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn hiệu quả và tuân thủ pháp luật nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và an toàn tài chính theo quy định của Luật này. 

Về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế, Bộ trưởng cho biết việc xây dựng dự thảo Luật sẽ đảm bảo đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đảm bảo rõ ràng, minh bạch trong việc áp dụng luật sau khi luật có hiệu lực thi hành.

Đối với các nội dung còn lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao nhất.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm, tính chủ động, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. 

"Qua các ý kiến thảo luận, cơ bản các vị đại biểu Quốc hội nhất trí với báo cáo chỉnh lý, giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Đối với hai phương án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra để đại biểu Quốc hội thảo luận, Đoàn Chủ tịch thấy còn một số ý kiến khác nhau, do đó, sau phiên thảo luận, đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp thêm ý kiến bằng văn bản", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Vì đây là một luật có tính chuyên môn cao, khó, phức tạp cả về khái niệm, phạm vi tác động đến nhiều đối tượng, dễ có cách hiểu khác nhau. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan chuyên môn tổng hợp đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ các nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình Kỳ họp thứ 3 này.

Theo https://tapchitaichinh.vn/Chuyen-dong-tai-chinh/luat-kinh-doanh-bao-hiem-sua-doi-tiep-thu-toi-da-y-kien-cua-cac-dai-bieu-348308.html