Hình ảnh: Mưa lớn kèm dông lốc, sét gây nhiều thiệt hại tại Bắc bộ, Trung bộ số 1

Máy múc được huy động tới khu vực sạt lở dời dọn số đất, đá gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 8 (Ảnh: baohatinh.vn)

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hoà Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, ảnh hưởng của mưa lớn kèm dông lốc từ ngày 26 – 28/9 đã làm 1 người chết (Hòa Bình); 3 người mất tích (Sơn La); 1 người bị thương (Yên Bái).

Về nhà ở, 24 nhà bị ngập (Hoà Bình); 60 nhà bị cô lập (Hoà Bình); 2 nhà bị sập (Quảng Ninh); 78 nhà bị hư hỏng do sạt lở (Lào Cai 19, Sơn La 6, Yên Bái 1, Hoà Bình 49, Phú Thọ 3).

Về nông nghiệp, 21.995 ha lúa bị ngập, hư hại (Lào Cai 47ha, Hoà Bình 1.652ha, Quảng Ninh 5ha, Hà Nam 5.848ha, Nam Định 10.177ha, Thái Bình 4.266ha); 5.537 ha hoa màu bị ngập, hư hại (Lào Cai 100ha, Hà Nội 334ha, Bắc Giang 10ha, Phú Thọ 108ha, Hà Nam 1.376ha, Thái Bình 3.610ha).

Về chăn nuôi, 197 con gia súc, gia cầm bị chết (Hoà Bình). Về thuỷ sản, 56 ha ao hồ bị ngập, hư hại (Hoà Bình 16ha, Hà Nội 40ha).

Về giao thông, 65 vị trí giao thông (Lào Cai 58, Yên Bái 02, Hoà Bình 03, Bắc Giang 01, Phú Thọ 01) bị sạt lở với khối lượng 17.027 m3.

Bên cạnh đó, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lớn kèm lốc, sét xảy ra từ ngày 24-28/9 đã làm 3 người chết (Quảng Trị 1; Thanh Hoá 2 người); 1 người mất tích (Thanh Hoá); 8 người bị thương (Thừa Thiên Huế).

Về nhà ở, 145/1.860 nhà còn bị ngập (Nghệ An); 927 nhà tại Nghệ An và 3 bản tại Quảng Bình bị cô lập; 9 nhà bị sập (Nghệ An); 422 nhà bị hư hỏng (Thanh Hoá 59, Nghệ An 185, Quảng Trị 88, Thừa Thiên Huế 84).

Về nông nghiệp, 2.945 ha lúa bị ngập, hư hại (Thanh Hoá 1.078ha, Nghệ An 1.867ha); 5.757ha hoa màu bị ngập, hư hại (Thanh Hoá 2.417ha, Nghệ An 3.340ha) và 2.519 ha cây trồng khác bị hư hại (Nghệ An).

Về chăn nuôi, 4.017 con gia súc, gia cầm bị chết (Nghệ An). Về thuỷ sản, 1.065 ha ao hồ bị ngập (Nghệ An).

Về giao thông, 78 vị trí giao thông (Nghệ An 76, Hà Tĩnh 02) bị sạt lở với khối lượng 8.088 m3, tổng chiều dài 10.835m; 6 cầu giao thông hư hỏng (Nghệ An 3, Hà Tĩnh 3); 7 cống hư hỏng (Nghệ An).

Về tàu thuyền, 1 tàu cá bị chìm khi đang neo đậu trên sông Gianh (Quảng Bình).

Ngoài ra, 69 cột điện bị gãy đổ (Nghệ An 67, Thừa Thiên Huế 2); 1 nhà văn hoá, 3 nhà kho bị hư hỏng (Quảng Trị); sập đổ 2.469m hàng rào (Thanh Hoá 230m, Nghệ An 2.179m, Hà Tĩnh 60m); 460m ống nước sinh hoạt bị hư hỏng (Nghệ An); 2 nhà hàng nổi bị chìm, trôi (Quảng Bình).

Trước tình hình thiên tai vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhất là tại các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hoá, Nghệ An để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Đặc biệt, huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ, sớm ổn định đời sống người dân; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại. Đồng thời, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công./.

B.T

Nguồn: dangcongsan.vn