Hình ảnh: Nâng chất lượng kiểm toán, chữa bệnh 'công khai nhưng thiếu minh bạch' số 1

Chất lượng kiểm toán giữa các DN chưa đồng, có trường hợp thiếu độ tin cậy

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập DN để chữa căn bệnh "công khai nhưng thiếu minh bạch", góp phần thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh. 

Chất lượng kiểm toán chưa đồng đều

Các vụ việc liên quan đến chủ DN thời gian qua bị khởi tố một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần phải siết chặt các quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư. 

Có thể nói, những vi phạm về tình hình tài chính của nhiều DN thiếu minh bạch thời gian qua một phần do có nhiều báo cáo kiểm toán chưa cảnh báo rủi ro đầy đủ với nhà đầu tư, kể cả với các DN tài chính không lành mạnh bị "tuýt còi".

Để nhanh chóng khắc phục những bất cập, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã có văn bản giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chấn chỉnh để các DN kiểm toán thực hiện đúng quy định…

Đánh giá về chất lượng kiểm toán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, hoạt động này còn những hạn chế nhất định, chất lượng kiểm toán giữa các DN chưa đồng đều, kết quả kiểm toán trong một số trường hợp chưa nhận được sự tin cậy cao. Vẫn còn hiện tượng kiểm toán viên, DN kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán chưa phù hợp, chưa dựa trên các bằng chứng đầy đủ và tin cậy. Điều này phần nào ảnh hưởng đến thông tin cung cấp cho người sử dụng.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng có 3 nguyên nhân chính dẫn đến những tồn tại nói trên.

Thứ nhất, ý thức của đơn vị được kiểm toán. Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp, đơn vị được kiểm toán muốn có báo cáo tài chính (BCTC) "đẹp" để thực hiện các mục đích khác nhau. Do đó, không ít đơn vị đã cố tình vi phạm các quy định chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán khi lập và trình bày BCTC, dẫn đến các báo cáo không phản ánh đúng tình hình tài chính của đơn vị, với thông tin không trung thực hoặc thông tin bị che giấu.

Hai là, một số kiểm toán viên chưa tinh thông nghiệp vụ nên đã không thể phát hiện ra các vấn đề sai sót hoặc gian lận mà đơn vị được kiểm toán thực hiện trong quá trình lập và trình bày BCTC.

Ba là, do ý thức của kiểm toán viên dẫn đến vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện kiểm toán.

Từ việc xác định các nguyên nhân trên, trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu các giải pháp cần tập trung để nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập.

Trước tiên, về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam làm cơ sở cho việc lập và trình bày BCTC tại các DN cũng như việc thực hiện kiểm toán. Cùng với đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý mạnh hơn đối với các vi phạm của cả đơn vị kiểm toán cũng như đơn vị được kiểm toán. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với đơn vị được kiểm toán cũng như DN cung cấp dịch vụ kiểm toán.

Với các DN kiểm toán, cần bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cũng như kiểm soát đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên. Kiện toàn quy mô DN, đảm bảo đủ điều kiện vận hành hệ thống kiểm soát chất lượng hiệu quả. Đặc biệt, với các đơn vị được kiểm toán, nhất là các đơn vị có lợi ích công chúng, cần nhận thức rõ trách nhiệm, tính trung thực trong việc lập và trình bày BCTC. Theo đó, ngoài việc phải nắm rõ các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, về lập và trình bày BCTC thì còn phải kiện toàn bộ máy nhân sự kế toán, tài chính; đảm bảo tính độc lập, khách quan, tính chuyên nghiệp trong việc bổ nhiệm kiểm toán và xử lý các bất đồng phát sinh trong quá trình kiểm toán BCTC.

Đánh giá DN cần qua nhiều kênh thông tin

Hình ảnh: Nâng chất lượng kiểm toán, chữa bệnh 'công khai nhưng thiếu minh bạch' số 2

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi: Việc đánh giá "sức khỏe" của DN nếu chỉ dựa vào kiểm toán BCTC là chưa đủ, cần có thêm các thông tin khác để nhìn nhận toàn diện hơn - Ảnh: VGP/HT

Dù còn khá non trẻ, nhưng các công ty kiểm toán độc lập của Việt Nam đã góp phần công khai minh bạch BCTC của các DN, ngăn ngừa lãng phí, tham nhũng, phục vụ tốt hơn công tác quản lý và điều hành của Nhà nước, hoạt động của DN. Hoạt động kiểm toán đã góp phần khơi thông dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.

Đối với thị trường chứng khoán, kiểm toán BCTC là hoạt động không thể thiếu. Thực tế nhiều DN, khi thực hiện kiểm toán, đã phải điều chỉnh thông tin trên BCTC để đảm bảo đúng chuẩn mực và chế độ kế toán so với trước kiểm toán.

Lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn Luật Kiểm toán độc lập (Khoản 1 Điều 5) quy định: Kiểm toán độc lập là việc kiểm toán viên hành nghề, DN kiểm toán đưa ra ý kiến độc lập của mình về BCTC và công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán. Đối với kiểm toán BCTC, kiểm toán viên, DN kiểm toán đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý trên các khía cạnh trọng yếu của BCTC. Kiểm toán giúp tăng cường tính minh bạch về BCTC của đơn vị được kiểm toán, giúp cho các nhà đầu tư có thông tin đầy đủ, kịp thời, tin cậy về tình hình tài chính của DN trước khi ra quyết định đầu tư. Tuy vậy, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: kiểm toán độc lập không có chức năng xếp hạng tín nhiệm các DN.

"Việc đánh giá 'sức khỏe' của DN nếu chỉ dựa vào kiểm toán BCTC cũng chưa đầy đủ nên cần phải có thêm các thông tin khác để nhìn nhận toàn diện hơn, ví dụ thông tin về quản trị, chiến lược phát triển, đội ngũ lãnh đạo, điều hành, môi trường hoạt động và khả năng sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tốt, bền vững trên thị trường", ông Nguyễn Đức Chí lưu ý.

Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, đã giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường giám sát tình hình hoạt động, tình hình tài chính của các DN niêm yết và công ty đại chúng, kịp thời cảnh báo nhà đầu tư khi có những biến động lớn về tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của DN.

Các chuyên gia cũng lưu ý: DN huy động vốn thông qua trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Nhà đầu tư cũng phải tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua trái phiếu DN riêng lẻ. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu DN còn có bất cập, để không bị mua nhầm "trái đắng", sự tỉnh táo và chuyên nghiệp của nhà đầu tư cũng là yếu tố quan trọng.

Huy Thắng


Theo https://baochinhphu.vn/nang-chat-luong-kiem-toan-chua-benh-cong-khai-nhung-thieu-minh-bach-102220511203226128.htm