Tại sự kiện, nhiều chuyên gia cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà phát triển bền vững trở thành một xu hướng chung của toàn cầu bởi nếu không hành động, thế hệ mai sau sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi đưa ra những khái niệm về phát triển bền vững, trách nhiệm đặt rất lớn trên vai doanh nghiệp - những thành phần quan trọng trong mắt xích chuỗi cung ứng.
Phát triển kinh tế bền vững, quan tâm tới môi trường hay được gọi là phát triển kinh tế xanh thì doanh nghiệp đứng trước yêu cầu phải chuyển đổi cách thức hoạt động, kinh doanh để đảm bảo tăng trưởng song hành với việc bảo vệ các nguồn lực con người, tài nguyên, môi trường.
Tại Hội thảo, ông Trần Vũ Hiền – Giám đốc khối Tài chính ACB đã chia sẻ “Câu chuyện xanh tại ACB” để thấy được những cam kết, hành động mỗi ngày từ mỗi con người ACB đã hết mình nỗ lực xanh ra sao để gia tăng giá trị cho cổ đông và khách hàng.
Theo ông Trần Vũ Hiền, việc ACB tích cực quan tâm tới phát triển bền vững, quan tâm tới môi trường bắt đầu từ thời điểm ông Trần Hùng Huy đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT. Tại thời điểm đó, Chủ tịch Trần Hùng Huy luôn trăn trở về việc “ta sẽ để lại được gì cho mai sau”. Cũng vì thế, ACB trong vai trò định chế tài chính nhưng xác định "tiền không phải là quan trọng nhất", mà làm sao "để lại một trái đất nguyên vẹn cho thế hệ mai sau và ACB muốn chung tay trên hành trình đó".
Từ đó, ngân hàng ACB đã thực hiện khảo sát về mức độ quan tâm của các nhân viên về môi trường, nhưng 90% câu trả lời nhận về lại là "không quan tâm". Ngay sau đó, ACB bắt đầu thay đổi. “Gần 10 năm qua, ACB đã dần thành công trong việc thay đổi quan điểm này", ông Hiền cho biết.
Ông Hiền cũng cho biết, trong hoạt động hàng ngày, ACB từng bước "xanh hóa" thông qua việc không sử dụng chai nước nhựa, không xả rác thải nhựa, thảm trải trong văn phòng đều làm từ lưới đánh cá tái chế, cửa kính tiết kiệm năng lượng. Có thể thấy, xanh hóa bắt đầu từ những hành động rất nhỏ. Hành trình 10 năm qua là bước đi đầu tiên để ACB thay đổi, hướng đến xanh hơn. Trong tương lai, ACB muốn được cùng tất cả cổ đông, đối tác, ngân hàng bạn cùng làm ESG.
Theo ông Hiền, không chỉ bản thân ACB mà ngân hàng cũng muốn tan tỏa điều này tới các doanh nghiệp. Giám đốc Tài chính của ACB cho biết: “Ngân hàng có gói tín dụng xanh triển khai đầu năm nay hơn 2.000 tỷ đồng và đã giải ngân hết và sẽ gia hạn thêm để giúp các khách hàng của ACB tiếp tục chuyển đổi xanh”.
Theo ông Hiền, gói tín dụng này không chỉ dành cho các doanh nghiệp xanh, mà còn hướng đến các doanh nghiệp, lĩnh vực chưa xanh để hướng đến xanh hơn, như cải thiện hệ thống xử lý nước thải, không khí, đưa vào dây chuyền sản xuất tiết kiệm năng lượng hơn. “Các doanh nghiệp thỏa mãn các tiêu chí xanh của ACB có thể được vay vốn rất ưu đãi”, ông Hiền khẳng định.
Rất quan tâm tới việc các doanh nghiêp tham gia chuỗi cung ứng xanh, ông Vương Huy Đông – Phó Thư ký HĐQT và Quan hệ Cổ đông của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) cho biết: Tổng dự nợ tín dụng xanh của VietinBank đạt 42.3 ngàn tỷ đồng, chiếm 2.7% tổng dư nợ tín dụng, với gần 1.000 khách hàng.
Theo ông Vương Huy Đông, Vietinbank không chỉ hỗ trợ tài chính cho các dự án xanh mà còn khuyến khích các đối tác, nhà cung cấp và khách hàng tham gia vào chuỗi cung ứng xanh. “Ngân hàng cam kết Gói tiền gửi xanh, tài chính xanh trị giá 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho phát triển bền vững”, đại diện Vietinbank nhấn mạnh.
Bản thân Vietinbank cũng đã quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững từ khá sớm. Ngân hàng luôn kết hợp báo cáo phát triển bền vững vào báo cáo thường niên, cập nhật thông tin nhất để truyền tải với nhà đầu tư. Bên cạnh đó, VietinBank thường tham dự các hội nghị và diễn đàn. Các hoạt động truyền thông cũng thông tin về phát triển bền vững tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các nội dung trọng tâm như: Ngân hàng làm thế nào để cải thiện chất lượng của bộ phận IR (quan hệ nhà đầu tư); hoạt động IR với nhà đầu tư tổ chức, tiếp cận vốn ngoại; và cách thích ứng trong thời đại số hóa, xanh hóa...