Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai chuyên ngành thủy sản đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thông báo, kêu gọi tàu cá đang hoạt động trên biển trong vùng ảnh hưởng của Bão số 03 di chuyển khỏi khu vực dự kiến bão đi qua, chủ động đưa tàu cá về neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão.

Yêu cầu các tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển chịu ảnh hưởng của Bão số 03 và các khu vực có thời tiết xấu phải thường xuyên liên lạc về các trạm bờ và các đài thông tin duyên hải để nắm thông tin về thời tiết tại khu vực tàu cá đang hoạt động.

Bên cạnh đó, kiểm đếm, báo cáo số tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển, số tàu cá đã về khu neo đậu và số tàu cá dự kiến có thể tiếp nhận thêm trong khu neo đậu tránh trú bão của địa phương; kiên quyết sơ tán người dân trên các tàu cá tại khu neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ.

Đồng thời, chủ động theo dõi tình hình, tham mưu cấm biển nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản tùy theo diễn biến của Bão số 03; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn tàu cá, tài sản và ngư dân khi có yêu cầu.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai chuyên ngành thủy sản còn yêu cầu các đơn vị hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản hoạch thủy sản nuôi đến kỳ thu hoạch hoặc thu tỉa tại các khu vực chịu ảnh hưởng của mưa, bão; khẩn trương gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tài sản người dân.

Báo cáo kịp thời tình hình ứng phó với thiên tai về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai chuyên ngành thủy sản trước 07 giờ 00 phút và 15 giờ 00 phút hằng ngày.

Trước đó, nhận định rõ tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, để tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão và hạn hán xâm nhập mặn năm 2024, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng đã có Công văn đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuân thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III và các hướng dẫn kỹ thuật kèm theo; tăng cường kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là vùng nuôi lồng, bè...

Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu, bố trí nguồn nhân lực và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với mưa bão, lũ; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy các công trình thủy lợi nhằm hỗ trợ, phục vụ người dân lấy nước cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Cử cán bộ bám sát địa bàn, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở nuôi thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật; các biện pháp phòng chống và khắc phục thiệt hại do nắng nóng, mưa bão, hạn hán, xâm nhập mặn và biến động bất thường của thời tiết gây ra để ổn định sản xuất....

Theo https://tapchitaichinh.vn/nganh-thuy-san-cap-bach-trien-khai-cac-giai-phap-ung-pho-voi-bao-so-3.html