Ảnh minh hoạ

Tiếp nối thành công từ 2 năm 2019 và 2020, chương trình Ngày Không tiền mặt năm 2021 được tổ chức với sự đồng hành của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, fintech, các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, thương mại… Chương trình được thực hiện với nhiều hoạt động đổi mới, tập trung hướng đến đối tượng là giới trẻ như sinh viên, người tiêu dùng phổ thông, công nhân, người thu nhập trung bình, thấp.

Theo Ban Tổ chức, chuỗi sự kiện của Ngày Không tiền mặt năm 2021 tiếp tục góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các đề án của Chính phủ (Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) giai đoạn 2016-2020; Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công)…

Thông qua các chương trình, chuỗi sự kiện Ngày Không tiền mặt 2021 sẽ giúp cho người dân trên cả nước, đặc biệt là giới trẻ, công nhân, người thu nhập trung bình thấp, được trải nghiệm và thấy rõ hơn lợi ích của các phương tiện thanh toán điện tử mang lại, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Về phía ngành ngân hàng, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan triển khai nhiều hoạt động nhằm hoàn thiện chính sách trong hoạt động thanh toán. Cụ thể như việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ nhằm góp phần phát triển hoạt động TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển hạ tầng thanh toán nhằm thúc đẩy TTKDTM.

Tính đến cuối tháng 4/2021, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Hiện giao dịch qua kênh internet tăng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR tăng tương ứng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị.

Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện đang là chính sách ưu tiên của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để thực hiện điều này, truyền thông giáo dục tài chính đóng một vai trò quan trọng, phối hợp đồng bộ với các trụ cột khác như hành lang pháp lý, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tài chính, phát triển các tổ chức cung ứng, kênh phân phối, sản phẩm, dịch vụ tài chính, ứng dụng công nghệ số…

Theo bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN), có 4 cái khó đặt ra cho hoạt động truyền thông giáo dục tài chính là “khó nhớ - khó tiếp thu - khó áp dụng - khó lan tỏa”, điều này xuất phát từ đặc thù của thông tin về sản phẩm. Và để hóa giải những khó khăn trên, truyền thông giáo dục tài chính áp dụng giải pháp “4 dễ”, bao gồm: “Dễ hiểu - dễ nhớ - dễ làm - dễ lan tỏa”, để công chúng dễ dàng nắm bắt, áp dụng.

Dự kiến, chương trình Ngày Không tiền mặt năm 2021 sẽ có nhiều sự kiện mới mẻ, đầy hấp dẫn như: Cuộc thi “Rap cùng Lona” và hoạt động Online Game - Đấu trường không tiền mặt “Đoán đúng - trúng quà”; hội thảo về kinh nghiệm và công cụ quản lý tài chính cá nhân dành cho sinh viên; chương trình Giỏ hàng Nghĩa tình mùa dịch; livestream “Một ngày không tiền mặt” và hội thảo “Việt Nam nỗ lực tiến tới quốc gia không tiền mặt”…

Ngày Không tiền mặt 2021 diễn ra từ ngày 14/6-30/8.

Băng Tâm

Theo http://baochinhphu.vn/Tai-chinh/Ngay-Khong-tien-mat-2021-huong-den-nguoi-thu-nhap-thap/434707.vgp