(Ảnh: minh hoạ)
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/03/2021, về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.Cụ thể, đến năm 2030, mục tiêu của ngành thủy sản gồm: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt 3,0-4,0%/năm; Tổng sản lượng thủy sản sản xuất trong nước 9,8 triệu tấn; Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14-16 tỷ USD; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy chuẩn bảo vệ môi trường. Giải quyết việc làm cho trên 3,5 triệu lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương thu nhập bình quân chung lao động cả nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ định hướng phát triển ngành thủy sản như sau: Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản theo hướng chuyển đổi số, làm cơ sở phục vụ công tác dự báo ngư trường, nguồn lợi; Áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, hiện đại hóa tàu cá; giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch đến năm 2030 dưới 10%; Xây dựng các làng cá gắn với du lịch và các ngành nghề khác đảm bảo sinh kế cho cộng đồng ngư dân;…
(Ảnh: minh hoạ)
Kinh tế thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 vượt mục tiêu Chính phủ đề ra.
Trước đó, tại hội nghị “Sơ kết chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020” theo báo cáo của đại diện Tổng cục thủy sản cho biết, chương trình mục tiêu Phát triển kinh tế thủy sản giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1434/QÐ-TTg ngày 22-9-2017, kết quả thực hiện đều đạt được các mục tiêu chương trình đề ra cụ thể như sau: Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản trung bình hằng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 6%; tổng sản lượng thủy sản tăng, năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, dự kiến năm 2020 đạt 8,2 triệu tấn, vượt mức chỉ tiêu chương trình đề ra (từ 6,5 đến 7 triệu tấn); giá trị sản xuất thủy sản năm 2019 đạt 8,6 tỉ USD, kế hoạch năm 2020 là 10 tỉ USD, vượt mức chỉ tiêu chương trình đề ra (đạt từ 8 đến 9 tỉ USD)… UBND các tỉnh, thành phố thực hiện hoàn thành: đầu tư 13 dự án cảng cá; 50 dự án xây dựng khu neo đậu tàu thuyền bè; 89 dự án nuôi trồng thủy sản; 18 dự án sản xuất giống thủy sản…Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 14.470 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Công suất cảng cá tăng thêm khoảng 352 nghìn tấn hàng qua cảng/năm, công suất neo đậu tăng thêm 24.900 tàu (vượt chỉ tiêu chương trình).
(Ảnh: minh hoạ)
Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế nhận định về ngành thuỷ sản Việt Nam.
Ngành thủy sản Việt Nam có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, được xác định là một trong năm ngành kinh tế biển then chốt trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2045. Ngành chế biến thủy sản hiện nay phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, ngành sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế. Với sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, ngành thủy sản Việt Nam đã đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.
Theo nhận định, của Chuyên gia Kinh tế bên Viện Kinh tế và Pháp luật Quốc tế về ngành thuỷ sản Việt Nam như sau, những kết quả đạt được khi thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thuỷ sản bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã khẳng định ngành thủy sản nước ta đang phát triển nhanh, các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra, tuy nhiên dư địa phát triển vẫn còn rất lớn, các doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thủy sản chủ lực như cá, tôm, cá ngừ, cá tra.. đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh thủy sản Việt Nam tới thị trường Quốc tế….Đồng thời các doanh nghiệp nên chú trọng đầu tư vào ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để phục vụ cho việc nuôi trồng và chế biến thủy sản, đây cũng chính là cơ hội đưa ngành thuỷ sản Việt Nam tiếp tục phát triển trong tương lai sẽ trở thành nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới./.
Hùng Sơn